Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá cho Tổng công ty Sông Đà. Do đó, cơ quan này vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước nêu ý kiến về phương án mà Bộ Xây dựng nêu.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất cổ phần hoá tổng công ty theo hướng vừa bán một phần vốn Nhà nước, đồng thời phát hành tăng vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty này là 3,8 lần.
Nhằm giảm hệ số này xuống dưới 3 lần - mức được coi là đúng theo quy định, Bộ Xây dựng đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ đồng (hiện nay là 4.438 tỷ đồng). Cơ quan này cũng cho biết, nếu tăng vốn lên quá cao sẽ không thể đảm bảo việc trả cổ tức là 3% trong những năm sau khi được cổ phần hoá.
Hiện Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, sắp tới sẽ triển khai sang Lào, Campuchia. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất để cổ phần hóa, tổng công ty sẽ phát hành 450 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51%, đến năm 2020 giảm xuống 36%. Bên cạnh 0,18% được bán ưu đãi cho người lao động thì số còn lại được bán cho nhà đầu tư chiến lược và đấu giá công khai.
Bên cạnh một số tiêu chí về lĩnh vực hoạt động, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, nhà đầu tư chiến lược phải là đơn vị có tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vốn chủ sở hữu là 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dương, không có nợ xấu, có đủ vốn góp lớn hơn số cổ phần mua.
Sau cổ phần, Bộ Xây dựng cho biết kế hoạch doanh thu của tổng công ty là 2.890 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, đến năm 2020, Sông Đà đặt mục tiêu khá khiêm tốn doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 216 tỷ đồng. Theo đó, chỉ số ROA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản) chỉ xấp xỉ 1%, mục tiêu cổ tức 3%.
Trong cuộc họp sơ kết diễn ra hồi tháng 6, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định một số doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có Tổng công ty Sông Đà kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.