Tại hội thảo sở hữu chung - riêng trong chung cư do Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản TP HCM đồng chủ trì ngày 29/11, các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc và khách hàng "mắc nạn" khi mua căn hộ chung cư đã phản ảnh nhiều ý kiến gay gắt về vấn đề này.
Đại diện một hộ dân chung cư Mỹ Vinh, quận 3, TP HCM chất vấn lãnh đạo Bộ Xây dựng rằng, nếu khách mua căn hộ chỉ sở hữu phần diện tích trong 4 bức tường thì quy định về thông hành địa dịch bỏ đi đâu?
Theo lập luận của hộ dân này, nếu lối đi, nơi để xe, diện tích dành cho các dịch vụ, tiện ích cho cộng đồng đều bị tước đoạt và thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư thì giá thành căn hộ phải tính lại mới đảm bảo công bằng.
Một hộ dân chung cư Mỹ Vinh, quận 3 chất vấn tại hội nghị. Ảnh: Vũ Lê. |
Khách hàng mua căn hộ Botanic, quận Phú Nhuận, TP HCM phản ảnh thêm, diện tích chung như tiền sảnh tòa nhà, tầng lửng, tầng trệt, tầng hầm đều là tài sản của chủ đầu tư thì không còn đúng với tinh thần Luật Nhà ở. Bởi vì theo hộ dân này, diện tích chung dành cho cộng đồng đã vô tình bị "hô biến" thành tài sản của riêng chủ đầu tư.
Tổng giám đốc Công ty Phú Hưng Gia, bà Lê Thúy Hương phàn nàn những tranh chấp sở hữu chung riêng trong chung cư đã làm xấu môi trường đầu tư bất động sản tại TP HCM. Bà kể khổ rằng, các đối tác nước ngoài dự định đầu tư địa ốc tại Việt Nam đang ngán ngại vì hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý chung cư còn lỏng lẻo, gây nhiều kiện cáo không có hồi kết.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Xây dựng nên đưa ra quy chuẩn mỗi căn hộ chung cư sẽ có bao nhiêu diện tích để xe, quy định rõ tầng hầm thuộc sở hữu của ai và nên cụ thể các quy định đối với từng loại nhà chung cư, không nên đánh đồng tất cả ngang bằng nhau.
Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đất Luật, bà Nguyễn Thị Cam khẳng định tranh chấp của cộng đồng chung cư với chủ đầu tư do cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Theo luật sư Cam, cơ quan quản lý nhà nước chỉ lo cấp phép nhưng không màng tới chuyện hậu kiểm, không nắm rõ tình hình thực tế là thị trường nhà chung cư đang diễn ra như thế nào. Bà cho rằng, chủ đầu tư nào quảng cáo các tiện ích kèm theo, làm tăng giá trị và giá thành căn hộ khi bán ra trên thị trường, nhưng khi đi vào sử dụng lại không có các hạng mục này, khách hàng có quyền kiện ra tòa.
Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng tranh chấp bắt nguồn từ kẽ hở của luật. Ảnh: Vũ Lê. |
Tương tự, luật sư Trương Thị Hòa chỉ ra cốt lõi của tranh chấp sở hữu chung - riêng bắt nguồn từ sự lỏng lẻo của luật pháp. Bà nhận xét rằng, ngay cả Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng chỉ là bộ khung chung chung chưa sát thực tế. Khách hàng không biết mình mua cái gì, chủ đầu tư lấp lửng phần diện tích còn lại sau khi bán, kẽ hở của luật đang làm méo mó quyền lợi của đôi bên.
Luật sư Hòa kiến nghị, các tiện ích, tài sản chung - riêng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành căn hộ nên những dịch vụ này thừa hay thiếu, lời hay lỗ cần xem xét trả lại tiền hoặc ăn đồng chia đủ nếu các khoản kinh doanh lời lỗ hay không? Trong khi chờ đợi Bộ Xây dựng quy định rõ hơn về sở hữu chung - riêng, bà Hòa cho rằng, chính quyền địa phương như phường, quận cũng cần vào cuộc với tư cách là trọng tài phân giải để tránh những xung đột gay gắt.
Riêng Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu phát biểu: "Không có chuyện cả tòa chung cư thuộc quyền sở hữu của một chủ đầu tư nào. Về nguyên tắc, chung cư luôn thuộc sở hữu chung của cộng đồng". Theo ông Châu, sau một thời gian đi vào hoạt động chung cư phải được chuyển giao cho ban quản trị chứ không còn thuộc quyền sở hữu riêng hay quyền quản lý của chủ đầu tư nữa.
Đáp lại những kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: "Sở hữu chung - riêng trong chung cư không phải lúc nào và ở chỗ nào cũng xác định được".
Theo ông Quân, cần có địa chỉ để giải thích, tư vấn cho người dân hiểu cách phân định tài sản trong chung cư. Sắp tới Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ra mẫu hợp đồng mua bán nhà chung cư để người mua và người bán thông suốt vấn đề sở hữu chung - riêng ngay từ đầu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay sẽ nghiên cứu thêm về tranh chấp này, những gì luật chưa cụ thể trong tương lai sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, làm bằng cách nào thì Bộ trưởng bỏ lửng và chốt vấn đề rằng, nếu tranh chấp diện tích chung - riêng không hòa giải được thì đôi bên nên đưa nhau ra tòa.
Vũ Lê