Thu Thủy, 32 tuổi, ở TP HCM sinh ra trong một gia đình nông dân. Bố mẹ chị một nắng hai sương nuôi hai con ăn học, mong một ngày con "tìm được việc làm mát mẻ, sạch sẽ", không chịu cảnh lam lũ.
Từ bé, Thủy đã vạch ra mục tiêu cuộc đời là phải có thu nhập đủ để bù đắp cho bố mẹ và cho mình cuộc sống sung túc. "Ở công ty nào tôi cũng là nhân viên xuất sắc nhất", Thủy kể.
Hai năm trước, chị lên chức trưởng phòng một công ty start up về giáo dục, lương 50 triệu đồng, cao gấp đôi lương cũ. "Thu nhập gấp đôi nhưng áp lực gấp cả chục lần", Thu Thủy kể. Cuối năm ngoái, sau nhiều tháng suy tính chị quyết định nghỉ việc, chấp nhận mất luôn khoản thưởng Tết bằng ba, bốn tháng lương.
Năm 2020, anh Tạ Quý Tôn (35 tuổi, ở Bắc Ninh) cũng quyết định bán ôtô, từ bỏ các cuộc gặp ở nhà hàng năm sao và những bộ vest bóng bẩy cùng chức phó giám đốc ngân hàng mức lương 80 triệu đồng để về làm nông dân.
"Họ hàng, bạn bè đều kịch liệt phản đối, nhưng tôi vẫn quyết định từ bỏ vì từ lâu đã không còn hạnh phúc với công việc này", anh Tôn nói.
Chị Thủy và anh Tôn - những lao động quản lý cấp trung trở lên và mức lương gấp 6-10 lần lương trung bình của lao động Việt Nam được coi là thành công với nhiều người.
Khảo sát của Viện nghiên cứu đời sống - xã hội (SocialLife) cho thấy, lo lắng lớn nhất của thanh niên ngày nay là tài chính (58,3%) và tạo lập sự nghiệp (52,2%). Theo kết quả khảo sát về tình hình thị trường lao động Việt Nam 2022 của VietnamWorks với những nhân sự cấp quản lý trở lên, khi các yếu tố về lương, thưởng, đãi ngộ không còn chênh lệch quá lớn, lý do chủ yếu quyết định chuyển việc, bỏ việc là do môi trường làm việc và văn hóa công ty (chiếm 34%). Một khảo sát khác của công ty tư vấn tuyển dụng Anphabe thực hiện tháng 9/2022 cũng cho kết quả quả tương tự, nhóm lao động là cán bộ quản lý cấp trung đang thấy áp lực nhất.
Áp lực dẫn đến mất cân bằng cuộc sống cá nhân chính là lý do khiến chị Thủy và anh Tôn nghỉ việc.
Anh Tôn hài lòng với thu nhập, nhưng cho biết, đặc thù công việc trong ngành căng thẳng và bận rộn, ngốn hết thời gian. Anh thường xuyên phải tiếp khách, ký hợp đồng trên bàn nhậu. "Tuần 6 ngày thì 5 ngày tôi về khi đã say. Tôi tự hỏi, tiếp tục sống như thế này, cuộc đời mình đi về đâu?", anh nói.
Dù luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc và đạt thành quả cao, nhưng theo anh Tôn, đây là môi trường có tính chất rất chặt chẽ. Anh không có nhiều cơ hội thể hiện bản thân mà phải làm những công việc người khác áp cho mình. ''Ngày nào cũng lặp lại nhàm chán như robot. Tôi thấy lao động của mình không còn ý nghĩa trọn vẹn như mong muốn nữa", anh nói.
Thu Thủy cho hay, vì KPI mà gây áp lực với nhân viên, những người từng đồng cấp với chị, nên lẻ loi trong chính nhóm của mình. "Sếp thì đòi hỏi chỉ tiêu trên trời, trong khi nhân lực hạn chế. Những áp lực trên xuống, dưới lên đó khiến tôi khủng hoảng", chị kể.
Mỗi ngày, Thu Thủy phải làm việc với các CEO, giám đốc tài chính, các sếp khác về chiến lược, sản phẩm mới, chạy doanh số nên lúc nào cũng căng thẳng. "Tôi thường xuyên mất ngủ, viêm loét dạ dày, khóc vì lo lắng, đi viện như đi chợ, nhưng chẳng dám xin nghỉ làm", chị kể.
Chị thường về nhà sau 9h tối, mệt mỏi đến mức không còn thời gian trò chuyện với bạn trai hay gia đình. Lịch hẹn cuối tuần với người yêu thỉnh thoảng bị hủy đột ngột. Giữa năm ngoái, chị chia tay bạn trai, thấy mọi động lực đều không còn. Cô gái hay thức giấc giữa đêm, hoài nghi về con đường đang chọn.
Thu Thủy đã phải tìm đến bác sĩ trị liệu tâm lý với kỳ vọng tháo gỡ khó khăn trước mắt. Nhưng chuyên gia khuyên chị nên tranh thủ nghỉ ngơi, tìm vui ở một số hoạt động khác.
Điều đó gần như bất khả thi với Thu Thủy, bởi phải cắt giảm thời gian làm việc.
Ông Trương Thanh Hùng, phó chủ tịch hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, trong xã hội hiện đại, lương cao là một trong những điều kiện cần để có được hạnh phúc, nhưng không phải yếu tố duy nhất. Hạnh phúc, được cấu thành bởi sự cân bằng cả những yếu tố vật chất lẫn tinh thần. "Để có hạnh phúc khi làm công ăn lương, mỗi người phải tìm được sự cân bằng những yếu tố này", ông nói.
Cân bằng trong công việc và cuộc sống là yếu tố quan trọng nhất với các ứng viên Việt Nam tìm việc trong năm 2022, theo báo cáo của công ty giải pháp quản trị nhân sự toàn diện Grove HR và công ty chuyên về phân tích dữ liệu YouGov (Anh).
Cụ thể, gần ba phần tư (73%) người lao động đánh giá sự cân bằng công việc và đời sống là yếu tố quan trọng nhất khi đưa ra những quyết định nghề nghiệp. Sự cân bằng ở đây có thể là công việc linh hoạt, không làm thêm ngoài giờ, và tiền ngoài giờ. Báo cáo cũng cho biết, gần một nửa người lao động (49%) có ý định thay đổi việc làm trong năm 2022. Nghiên cứu được dựa trên câu trả lời của 1.010 người Việt Nam vào tháng 10/2021. Trong đó, 71% có độ tuổi từ 18 đến 34 và 70% sống ở thành thị.
Ông Bảo Nguyễn, Giám đốc Grove HR, cho biết việc thu hút lao động không chỉ đơn thuần dựa vào mức lương bổng hấp dẫn, thực tế cho thấy người lao động muốn có nhiều hơn từ công việc của mình.
Nhận định này cũng tương đồng với kết quả khảo sát của SocialLife năm 2022. Theo đó, tiêu chí thu nhập cao chỉ đứng thứ 7 sau hàng loạt tiêu chí như: có cơ hội phát triển chuyên môn, công việc ổn định, đúng với sở thích bản thân, có nhiều không gian để sáng tạo, có nhiều cơ hội thăng tiến, công ty có các hoạt động thực hiện trách nhiệm đối với xã hội.
Theo PGS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng SocialLife, các nhà xã hội học xây dựng khái niệm "vốn con người" gồm: tài chính, văn hóa học thức, xã hội và vốn biểu tượng. Một người đề cao vốn nào thì đó là cơ sở để họ xây dựng sự an vui. Ví dụ, một người sống trong môi trường kinh doanh có thể coi trọng vốn tài chính hơn. Do vậy, nếu có nhiều tiền, họ sẽ thấy hạnh phúc. Ngược lại, người coi trọng vốn xã hội lại đề cao xây dựng các mối quan hệ hơn là tiền bạc.
Ban đầu, Thu Thủy muốn làm việc để có thu nhập thật cao, bù đắp cho những thiếu hụt của gia đình và bản thân. Tháng đầu nhận lương 50 triệu đồng, chị nghĩ mình đã chạm được đến hạnh phúc. Chị có thể mua những thứ mình thích, ăn những thứ mình nghĩ không bao giờ có tiền để mua và tặng bố mẹ những món quà khiến họ hãnh diện.
Nhưng khi đã có mức lương như kỳ vọng, Thu Thủy lại không còn hào hứng với tiền bạc. Chị nhận ra mình phải đánh đổi quá nhiều thứ.
Theo giáo tâm lý học và trị liệu Brad Klontz, đại học Creighton (Mỹ) nếu bạn có tuổi thơ thiếu thốn, việc có nhiều tiền hơn sẽ tạo khác biệt lớn trong cuộc sống và hạnh phúc tổng thể. Tuy nhiên, khi bạn đã đạt mức sống trung lưu, những điều trên không còn đúng.
"Sau mỗi ngày, chúng ta đều vật lộn với những vấn đề mang tính tồn tại như ý nghĩa của cuộc sống là gì, tôi là ai?", ông nói.
Anh Tôn cho biết, ngày thi đại học, anh muốn nộp hồ sơ vào ngành xây dựng, nhưng bố mẹ muốn anh thi vào ngân hàng nên làm theo. "Công việc này không hợp với cá tính của tôi. Thế nên trong thời gian làm ở đây, tôi luôn mơ giấc mơ khởi nghiệp, tạo lập sự nghiệp cho riêng mình", anh kể.
Ông Trương Thanh Hùng khuyên mọi người cần hiểu rằng "tiền không thể mang lại hạnh phúc" để giảm bớt lòng tham - nguyên nhân hàng đầu gây mất cân bằng trong cuộc sống.
Để đạt được trạng thái cân bằng, cân phân bổ thời gian chăm sóc tổng thể. "Đó là lý do thời gian trong ngày được phân bổ đều 8 tiếng để ngủ (chăm sóc thân), 8 tiếng để nghỉ ngơi, giải trí (chăm sóc tâm) và 8 tiếng để làm việc", ông nói.
Thu Thủy hiện tại chưa tìm việc mới. "Có lẽ tôi sẽ lại nộp hồ sơ làm nhân viên để cuộc sống bớt mệt mỏi hơn", Thủy nói.
Anh Tôn về quê xắn quần lội ruộng khởi nghiệp với xơ mướp. Hai năm khởi nghiệp đúng dịch bệnh khiến cuộc sống và tài chính chao đảo, nhưng anh thấy được sống đúng là con người mình. Nhờ khối óc và tâm an, anh Tôn dần xây dựng được sự nghiệp theo hướng đi của riêng mình.
Phạm Nga