Hồ Thị Kiều Trang, 22 tuổi, sinh viên chuyên ngành Trinh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, tốt nghiệp thủ khoa đầu ra Học viện Cảnh sát nhân dân với điểm học tập 3.85/4, đạt loại xuất sắc. Nhờ thành tích này, Trang được đặc cách phong quân hàm lên trung úy khi hoàn thành chương trình học.
Trong buổi lễ tốt nghiệp được tổ chức cuối tháng 12, cô gái đến từ Huế đại diện cho hơn 600 sinh viên phát biểu. Với Trang, đây là vinh dự lớn, cũng là kỷ niệm đẹp để khép lại quãng đời sinh viên.
Ước mơ của Trang vốn không phải trở thành công an, mà là bác sĩ. Cô gái sinh năm 2001 kể hồi bé biết bác sĩ có thể cứu người, nên cũng mong một ngày mình có thể làm công việc này. Vì vậy, Trang học tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và theo đuổi kế hoạch này suốt thời phổ thông.
Nhưng Trang cũng lớn lên với sự tự hào từ những câu chuyện của ông ngoại, kể về những ngày chiến đấu oanh liệt khi còn trẻ. Trước khi mất, ông nói muốn cháu gái có thể công tác trong khối lực lượng vũ trang, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây cũng là mong muốn thời trẻ của mẹ Trang.
Sau thời gian dài suy nghĩ, tới giữa năm lớp 12, nữ sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh quyết định chuyển từ tổ hợp B00 sang C03 (Toán, Văn, Sử). Thầy cô lo lắng, khuyên Trang suy nghĩ lại vì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn vài tháng.
"Lúc đó, mình quyết tâm làm lại từ đầu, nên không thay đổi quyết định", Trang kể, nhớ lại khoảnh khắc "vui phát khóc" khi nhận tin đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân.
D45 là khóa đầu tiên được học theo chương trình đổi mới của Bộ Công an. Sinh viên phải trải qua bốn tháng đào tạo bắt buộc tại Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02). Chương trình đào tạo gồm nhiều nội dung, trong đó có học điều lệnh, rèn thể lực khắt khe.
Trang lúc đầu rất lo lắng, sợ mình không đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Cô gái đến từ Huế "hãi" nhất việc phải học bơi giữa mùa đông. Trang giải thích, ở Huế không lạnh như miền Bắc, mà ngay lần đầu trải nghiệm mùa đông Hà Nội, Trang phải xuống nước trong thời tiết 10 độ C.
"Mình cũng chưa biết bơi nên rất sợ, may là luôn có các thầy cô quan tâm, chăm sóc rất chu đáo, khi bơi xong có khăn, hệ thống sưởi cùng cháo nóng và bọn mình đều hoàn thành khóa học", Trang nhớ lại. Theo nữ sinh, nhờ khóa huấn luyện, cô cùng bạn bè mới có thể trở thành "những mẻ thép đầu tiên", rắn rỏi và bản lĩnh như bây giờ.
Với kiến thức trên lớp, ngoài ghi chép đầy đủ trong mỗi tiết học, Trang thường hệ thống lại kiến thức hàng ngày bằng cách vạch ra những ý cần nhớ, khái quát nhất của buổi học hôm đó. Mỗi buổi tối, nữ sinh thường dành ba giờ tự học, gần thi có thể nhiều hơn. Trang cũng tự làm đề cương từng môn, kết hợp cả giáo trình và tài liệu tham khảo ở thư viện.
Trang nói rất thích những môn chuyên ngành, bắt đầu được học từ năm ba. Nội dung những môn này liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ, công việc mà cảnh sát làm, nên Trang luôn thấy hấp dẫn.
Dịp được cọ xát và vận dụng nhiều kiến thức chuyên ngành nhất của Trang là thời gian thực tập tại Công an quận Long Biên, Hà Nội. Nữ sinh trực tiếp tham gia chuyên án giải cứu bé trai 7 tuổi bị bắt cóc, đòi 15 tỷ tiền chuộc, xảy ra tại phường Việt Hưng hồi tháng 8/2023.
Trang vẫn nhớ khoảng 21h hôm đó, vừa về đến nhà thì nhận được tin về vụ bắt cóc. Lập tức tới phường Việt Hưng trong cơn mưa tầm tã, Trang nghe phổ biến về vụ án, được chia về các mũi để rà soát các tuyến đường mà đối tượng có thể đi qua.
Cùng lúc đó, gia đình nạn nhân được đưa lên phường để phối hợp với lực lượng chức năng. Đối tượng liên tục gọi điện đòi tiền, Trang được giao trấn an tinh thần gia đình nạn nhân.
Tới 5h sáng hôm sau, kẻ bắt cóc bị bắt, bé trai được giải cứu. Trang cùng các chiến sĩ công an quận Long Biên về tới cơ quan lúc 6h. Trang lần lượt trải qua cảm giác hồi hộp, lo lắng, rồi vỡ òa khi bé trai trở về an toàn.
"Sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng có cơ hội được tham gia một chuyên án lớn, học hỏi từ mọi người là may mắn của mình. Chứng kiến các anh và đồng đội không ăn, không nghỉ, mình thấy tự hào và cũng muốn được cống hiến nhiều hơn nữa", Trang nói.
Nữ sinh cùng một số cán bộ được nhận giấy khen của Công an quận Long Biên vì thành tích xuất sắc trong chuyên án. Trải nghiệm cũng giúp Trang hiểu hơn về kiến thức được học trên lớp. Trước kia, những thuật ngữ như hoạt động nghiệp vụ trinh sát, công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác đấu tranh chuyên án... mới dừng ở bài học trong sách, nhưng giờ Trang biết nó thực sự diễn ra thế nào.
Ngoài thời gian học, Trang thường cùng thầy cô tham dự các buổi tuyên truyền về kỹ năng phòng chống tội phạm cho người dân và học sinh. Với Trang, những hoạt động này vừa đề rèn kỹ năng mềm, đồng thời củng cố kiến thức chuyên ngành. Nữ sinh cũng giành hàng loạt giải thưởng, giấy khen về nghiên cứu khoa học, các cuộc thi viết, tìm hiểu truyền thống ngành do các đơn vị thuộc Bộ Công an tổ chức.
Đại úy Lê Trung Dũng, Chủ nhiệm khóa D45, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho biết rất lâu rồi trường mới có một học viên xuất sắc như Trang.
Về kiến thức, Trang chăm chỉ, tập trung và thông minh, luôn tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc, không máy móc. Trong cương vị lớp phó học tập, Trang nhanh nhẹn, nhiệt tình và khéo léo, được nhiều thầy cô ghi nhận. Nữ sinh cũng nhiệt tình trong các hoạt động phong trào.
Đại úy Dũng ấn tượng nhất với khóa luận đạt điểm tuyệt đối của Trang. Nữ sinh hoàn toàn không sử dụng tài liệu khi thuyết trình, hiểu tường tận vấn đề, cho thấy đây thực sự là sản phẩm từ chất xám của mình.
"Gần chục năm làm công tác chủ nhiệm, lần đầu tiên tôi dự một buổi bảo vệ khóa luận tốt như vậy. Trang là học viên thực sự xuất sắc", thầy Dũng nói.
Theo quyết định phân công công tác, Trang sẽ trở về Huế làm việc sau khi tốt nghiệp. Về lâu dài, Trang muốn có thể công tác tại các vị trí nghiên cứu chuyên môn hoặc giảng dạy.
Nhìn lại bốn năm đại học, Trang thấy rằng nếu nỗ lực hết sức, đặt mục tiêu một cách rõ ràng, kết quả nhận được sẽ xứng đáng. Đôi lúc, Trang cũng nghĩ về ước mơ làm bác sĩ hồi nhỏ, về quyết định chuyển hướng thi công an, nhưng không phải để hối hận.
"Mình ngẫm rồi, bác sĩ cứu người, công an cũng giúp người, để mọi người có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Nên về bản chất, mình vẫn được sống và làm công việc đúng theo lý tưởng từ nhỏ", Trang nói.
Thanh Hằng