Trong cuộc họp với nhóm Bộ Tứ tại Nhà Trắng ngày 24/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với lãnh đạo ba nước thành viên còn lại gồm Mỹ, Nhật và Australia rằng New Delhi sẽ cung cấp 8 triệu liều vaccine Johnson & Johnson vào cuối tháng 10 cho các nước châu Á.
"Cam kết này phù hợp với quyết định xuất khẩu vaccine của chúng tôi", Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla nói khi thông báo về quyết định của Thủ tướng Modi. "Bộ Tứ sẽ trả tiền vaccine và Ấn Độ sẽ trang trải một phần trong số đó. Đây sẽ là lô vaccine trực tiếp từ Bộ Tứ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Số vaccine này nằm trong thỏa thuận cung cấp một tỷ liều vaccine cho châu Á tới cuối năm 2022 mà nhóm Bộ Tứ đạt được hồi tháng 3. Tuy nhiên, kế hoạch bị đình trệ sau khi Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu vaccine hồi tháng 4 để đối phó đợt bùng phát nghiêm trọng trong nước.
Ấn Độ cho biết sẽ ưu tiên chương trình Covax và các nước láng giềng khi nối lại hoạt động xuất khẩu vaccine. Các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ thực hiện các bước để mở rộng phân phối vaccine Covid-19 trên toàn thế giới và hoan nghênh kế hoạch nối lại xuất khẩu của Ấn Độ vào tháng 10.
Quyết định cung cấp 8 triệu liều vaccine cho châu Á được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các thành viên nhóm Bộ Tứ tại Washington. Sau sự kiện, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay các thành viên Bộ Tứ đồng ý hợp tác về vaccine, năng lượng sạch và không gian, đồng thời sẽ tổ chức họp thượng đỉnh thường niên.
Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm của nhóm Bộ Tứ, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Suga và Thủ tướng Modi khẳng định "ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, giá trị dân chủ và toàn vẹn của các quốc gia".
Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc họp, song giới chuyên gia nhận định đây là vấn đề quan trọng hàng đầu với họ. Tuyên bố chung của nhóm Bộ Tứ nhiều lần đề cập đến việc hành xử theo luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang tìm gia tăng ảnh hưởng.
"Cùng nhau, chúng tôi tái cam kết thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế và không cưỡng ép, nhằm củng cố an ninh, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa", tuyên bố chung có đoạn.
Các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ cũng kêu gọi Triều Tiên tham gia nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề liên quan chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều mà Bình Nhưỡng từ chối nếu các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào họ chưa được bãi bỏ.
Nhóm Bộ Tứ công bố một số thỏa thuận mới, bao gồm hiệp ước nhằm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chống đánh bắt bất hợp pháp và nâng cao nhận thức về khu vực hàng hải. Nhóm cũng triển khai quan hệ đối tác 5G và lên kế hoạch theo dõi biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ diễn ra hơn một tuần sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố hiệp ước an ninh ba bên AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia phát triển hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân, động thái bị Trung Quốc chỉ trích dữ dội.
Một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Suga nói với các thành viên nhóm Bộ Tứ rằng quốc gia Đông Á coi quan hệ đối tác AUKUS "đóng vai trò quan trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Trong cuộc họp báo ngày 24/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Bộ Tứ là "nhóm khép kín nhằm vào các nước khác, đi ngược xu thế thời đại và nguyện vọng của các quốc gia trong khu vực". Ông Triệu cho rằng nhóm Bộ Tứ sẽ không được sự ủng hộ của quốc tế và "chắc chắn thất bại".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)