Đây là cuộc tiếp xúc cử tri đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi kỳ họp Quốc hội thứ 6 bế mạc một tuần trước, với sự tham gia của khoảng 100 cử tri quận Tây Hồ.
Bức xúc trước tình trạng khiếu kiện kéo dài, ông Nguyễn Hồng Toán đề nghị Đảng, Nhà nước phải có biện pháp giải quyết tận gốc và cái sai nằm ở Trung ương hay địa phương đều cần phải phê phán, còn cứ để như hiện nay thì "dân không yên".
"Quốc hội vừa rồi có nhiều ý kiến thẳng thắn, quyết liệt nhưng có những vị né tránh, đơn cử như Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời về xử lý án oan sai rất hời hợt, dù đây là vẫn đề liên quan tới sinh mạng, người dân vô cùng bức xúc", cử tri Toán nhận xét.
Nhắc tới một vị tư lệnh ngành khác là Bộ trưởng Y tế, ông Toán đề nghị xem xét lại trách nhiệm cá nhân bởi thời gian qua đã để xảy ra nhiều vụ việc bức xúc như tiêm vắc-xin gây chết người, thẩm mỹ viện Cát Tường… "mà bộ trưởng cứ nói vòng vo".
Cùng chung tâm trạng, cử tri Nguyễn Bốn Bảy cho rằng, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế trước Quốc hội là không đạt yêu cầu. "Bộ trưởng Y tế phát biểu trên truyền hình nhưng người dân không muốn xem. Tại sao ta không có văn hóa từ chức?", ông đặt câu hỏi.
Đối với vấn đề tham nhũng nhức nhối nhiều năm qua, ông Nguyễn Hồng Toán cho rằng, công tác phòng chống làm chưa tốt khi cán bộ sai phạm chủ yếu bị "khiển trách". Ông đề nghị nên cho thôi việc những cán bộ thuộc diện này.
Còn theo ông Bảy, người dân lo lắng về tham nhũng nhưng trách nhiệm của Chính phủ thì chưa thể hiện rõ. "Tôi đề nghị tham nhũng từ một tỷ đồng trở lên thì tử hình. Kể cả người đã về hưu cũng phải kê khai tài sản. Thực tế có những anh hạ cánh an toàn rồi thì đi chơi, xây nhà rất ghê gớm", ông Bảy nói.
Đề cập tới vai trò và trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo, ông Nguyễn Kinh Thành nhận xét, các lãnh đạo khi trả lời chưa dùng tới chữ "Tôi" mà chỉ nói "Chính phủ, Bộ, ngành sẽ có giải pháp". "Chừng nào, chữ 'Tôi' chưa được cán bộ, lãnh đạo dùng đến thì chưa giải quyết được mâu thuẫn trong xã hội. Bởi vì thành tích thì cá nhân nhận nhưng khuyết điểm và trách nhiệm cá nhân không ai nói đến", cử tri này chia sẻ.
Nói về chủ trương chia tách huyện Từ Liêm, cử tri Nguyễn Hồng Toán bày tỏ sự phản đối với cách đặt tên này và mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc. "Không hiểu sao Hà Nội nhiều nhà văn hóa, sử học, xã hội học lại không tọa đàm để chọn ra những cái tên xứng đáng. Tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm chỉ mang ý nghĩa ranh giới”, ông Toán nói. |
Phát biểu trước cử tri quận Tây Hồ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, dù thực tế có nhiều khó khăn nhưng tình hình đất nước vẫn yên ổn, an sinh xã hội được đảm bảo. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,4% trong hoàn cảnh lạm phát giảm từ hơn 18% năm 2011 xuống còn hơn 5% của 11 tháng năm 2013. Bên cạnh đó, nỗi lo về vỡ hệ thống ngân hàng cũng đã qua…
"Đánh giá như vậy để chúng ta có niềm tin hơn vào chế độ và con đường đi lên của chúng ta nhân thành công của Quốc hội và cộng hưởng với đối ngoại dồn dập đón bao nhiêu tổng thống, thủ tướng. Tôi không hề tô hồng, nhưng phải nhìn toàn diện như thế", Tổng bí thư nói.
Về giải quyết khiếu kiện, khiếu nại, Tổng bí thư nhìn nhận, đây là vấn đề bức xúc khiến ông cảm thấy buồn và đau lòng. Người dân không thích đi khiếu kiện nhưng buộc phải đi vì họ oan ức trong khi chính quyền làm không đúng.
"Chúng tôi nhiều lúc rất buồn bởi sáng ra đã có bà con đón, chiều về có bà con đón, đi đường có bà con, đến cơ quan cũng có bà con. Sốt ruột lắm nhưng nó là thực tế khách quan không thể lảng tránh. Để giải quyết phải làm từ gốc nên phải sửa luật đất đai, thay đổi một số cơ chế", Tổng bí thư chia sẻ.
Trước vấn đề tham nhũng được cử tri đề cập đến ở tất cả các lần tiếp xúc, Tổng bí thư thừa nhận, dù đã đẩy lùi được một bước nhưng thực trạng vẫn rất nhức nhối. Dư luận bức xúc, trung ương cũng không hài lòng.
Với những vụ án lớn, ở cấp cao thường xảy ra trạng thái là lúc đầu nói "to bằng con voi" nhưng sau xử bé. Còn với tham nhũng vặt, diễn ra ở cấp dưới thì như ngứa ghẻ, rất khó chịu. Điều nguy hiểm là tham nhũng giờ đã phổ biến, hình thành những đường dây, có tổ chức. "Còn quyền lực là còn tham nhũng, nên phải có cơ chế trị tận gốc, nhưng rất khó", Tổng bí thư nói.
Sắp tới, theo Tổng bí thư, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Trung ương đang chỉ đạo Chính phủ để cụ thể hóa việc kê khai tài sản. Các Tòa án địa phương cũng được yêu cầu hạn chế tối đa việc vận dụng án treo.
Trao đổi về hoạt động của Ban chỉ đao Trung ương về Phòng chống tham nhũng một năm qua, Tổng bí thư cho rằng, tinh thần là “nói ít làm nhiều”. Trong thời gian họp Quốc hội đã đưa xử vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) với hai án tử hình - điều mà từ trước tới nay chưa có, trừ vụ án Trần Dụ Châu từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Sắp tới, các vụ lớn như Bầu Kiên, Dương Chí Dũng sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử. Vừa rồi, Ban Chỉ đạo cũng thành lập 7 đoàn đi kiểm tra 11 địa phương, 4 cơ quan trung ương. Kể cả cơ quan đi làm nhiệm vụ chống tham nhũng từ tòa án, kiểm sát, thanh tra, công an cũng sẽ bị kiểm tra . "Trong chống khó nhất là điều tra, giám định, Ban chỉ đạo đang tập trung khâu này. Sang năm sẽ tiếp tục đưa vào diện Ban chỉ đạo hơn 10 vụ, giao cho Ban Nội chính Trung ương khoảng 14 - 15 vụ lớn trọng điểm. Cứ làm không nói nhiều, mức án vận dụng khung hình phạt cao nhất”, Tổng bí thư nhấn mạnh. |
Nguyễn Hưng