Sáng nay, phiên trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình "nóng" từ những phút đầu bởi hàng loạt câu hỏi về chất lượng xét xử, giải pháp tránh oan sai và để lọt tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận xét, dù báo cáo năm 2013 của ngành tòa án cho biết đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, không xảy ra oan sai, song trên thực tế đang có hàng chục nghìn đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
"Điều này cho thấy niềm tin của người dân về công lý là chưa cao. Làm gì để lấy lại lòng tin?", ông thẳng thắn.
Đưa dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được vừa được hủy 2 bản án kết tội giết người với mức án chung thân, được tạm đình chỉ thi hành án sau 10 năm ngồi tù, ông Thuyền cho rằng các cơ quan tố tụng không thể vô can trong vụ này khi "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".
"Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu? Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân. Và liệu có còn bao nhiêu con thỏ lại bị tuyên là con gấu?", đại biểu Thuyền chất vấn.
Cho rằng, các vụ án oan có lỗi của điều tra, viện kiểm sát, tòa án, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Bộ trưởng Công an cho biết trách nhiệm cũng như giải pháp để chống oan.
"Thời gian qua có những phản ánh về việc một số bị can khai điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện. Ba ông có giải pháp gì để tìm ra sự thật?", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi.
Bà Nga đề nghị lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung và giao ngành khác quản lý trại giam để việc điều tra được khách quan.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bá Thuyền về hàng nghìn đơn giám đốc thẩm chưa được giải quyết, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, đã giải quyết được hơn 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm - con số cao nhất từ trước tới nay. "Chúng tôi giải quyết gần 11.000 đơn cũ từ năm trước chuyển sang, hiện còn chưa đầy 4.000", ông Bình dẫn chứng.
Theo ông Bình, năm 2013, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi về là khoảng 5.000, so với trên 350.000 vụ án đã xét xử, thì chưa phải là nhiều. Ở các nước, tòa án tối cao chỉ chọn hơn trăm vụ liên quan những vấn đề quan trọng, quyền con người... để giải quyết làm án lệ nhưng ở nước ta thì phải xem xét tất cả.
Tự nhận thấy "việc xét xử chưa đạt kết quả như mong muốn của Quốc hội và nhân dân" nhưng Chánh án Bình cho rằng đánh giá niềm tin của dân với công tác tư pháp, tòa án cần căn cứ nhiều yếu tố chứ không thể dựa vào số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. "Điều đó chưa phản ánh đúng uy tín của ngành tòa án", ông trầm giọng.
Về vụ việc Nguyễn Thanh Chấn, ông Bình cho biết sau khi hai bản án kết tội bị hủy, vụ án đang được chuyển cơ quan công an để điều tra lại. "Vụ án này chắc đồng bào cả nước và cử tri quan tâm. Có oan sai hay không, các vị đại biểu cũng có những suy nghĩ khác nhau", ông nói và cho hay, để xác định sự thật việc ông Chấn bị oan, bị ép cung, nhục hình thì cần điều tra chặt chẽ.
"Oan sai gây thống khổ cho dân, ảnh hưởng cả dòng tộc, cần được xem xét kịp thời thấu đáo", ông chia sẻ. Dù khẳng định vụ án có oan hay không còn chưa rõ nhưng nếu để xảy ra oan sai với những người bị buộc tội ở khung hình phạt cao như 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình là "điều không thể chấp nhận được".
Về tố cáo bị ép cung của ông Chấn, ông Bình cho biết Bộ Công an đang kiểm điểm cán bộ có liên quan. Về trách nhiệm của tòa án khi trước tòa bị cáo khai bị ép cung, ông Bình chia sẻ, trong quá trình xét xử "việc phát hiện là rất khó", nhưng như vậy không có nghĩa là nếu việc này có thật thì tòa án vô can. "Tòa án phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây là điều không thể phủ nhận", ông Chánh án nói.
Để tránh oan sai, theo ông ngoài việc đòi hỏi thẩm phán, thư ký phải tinh thông để phát hiện những điều không bình thường trong hồ sơ thì những người này cũng "cần phải có tâm".
Vị tư lệnh của ngành tòa án cho rằng không thể kết luận vội vàng vụ án Nguyễn Thanh Chấn vì xác định sự thật không cẩn thận sẽ "ảnh hưởng đến ý chí tấn công tội phạm, làm chùn bước những người đang làm công việc hết sức khó khăn gian khổ".
Từng là thứ trưởng Bộ Công an, ông Trương Hòa Bình nhìn nhận đấu tranh vạch trần tội phạm là công việc vất vả, có chiến sĩ đã phải hy sinh, hao tổn xương máu. Không chỉ ngành công an, cơ quan công tố, tòa án cũng phải chịu áp lực rất lớn. Dù có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến oan sai nhưng theo đánh giá của ông, với trách nhiệm được giao, đa số điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên - những cán bộ tin cậy được giao bảo vệ công lý - đã thực hiện tốt nhiệm vụ.
Không vừa lòng với câu trả lời của ông Bình, đại biểu Lê Thị Nga hỏi lại và nêu bốn vấn đề vụ án này. Bà đề nghị không chuyển việc điều tra lại về Công an Bắc Giang mà rút hồ sơ giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý, VKSND Tối cao trực tiếp kiểm sát. "Phải dựa trên chứng cứ điều tra chứ không được áp dụng nguyên tắc nếu không chứng minh được Lý Nguyễn Chung (người bị bắt, nhận là thủ phạm giết người) phạm tội thì ông Chấn là người có tội", bà nói.
Qua việc ông Chấn kêu oan, tố bị bức cung, bị dùng nhục hình, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp yêu cầu ngoài điều tra làm rõ, cơ quan tố tụng cần rà soát các tất cả các vụ án hình sự có đơn kêu oan. Khẩn trương rà soát các trường hợp bị tuyên án tử hình để tránh phát hiện ra oan thì đã thi hành án.
Ba ý đầu, ông Bình đề nghị người có thẩm quyền của Viện kiểm sát, Bộ Công an tham gia trả lời. Việc này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành.
Về ý thứ tư, ông cho biết "đã và đang tiếp tục làm". TAND Tối cao đang rà soát các bản án có mức án cao nhất, đặc biệt là án tử hình để xem xét. Nếu có vi phạm pháp luật, có sai lầm nghiêm trọng thì phải thực hiện quyền kháng nghị của Chánh án. Có tình tiết mới sẽ tổ chức phiên tái thẩm.
"Chúng tôi phải đặt trách nhiệm rất cao trong kiểm tra các vụ án hình sự nói chung và nhất là các vụ án tử hình", ông Bình khẳng định.
Chiều cùng ngày, bổ sung trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nêu quan điểm nhất quán, xuyên suốt của ngành là nghiêm cấm ép cung, dùng nhục hình. Dù cho biết đã quán triệt toàn diện, nhưng người đứng đầu lực lượng công an thừa nhận vẫn còn những trường hợp cá biệt gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định, nếu việc này gây ra oan sai, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng khẳng định Bộ Công an có trách nhiệm với các hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả trường hợp xảy ra sai sót.
Biện pháp đầu tiên để chống oan sai, theo Bộ trưởng Quang là đảm bảo quyền được bào chữa của các bị can, bị cáo. Bên cạnh chứng cứ buộc tội, các điều tra viên cũng phải thu thập chứng cứ gỡ tội để đảm bảo vụ án được xem xét toàn diện. Bộ cũng có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng pháp luật, tâm lý cho điều tra viên.
Biện pháp tiếp theo là tăng cường chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên với cấp dưới. Qua công tác này, giữa năm 2013, bảy công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) do đánh người tử vong đã bị tước quân tịch và xử lý hình sự.
Về đề xuất lắp camera tại phòng hỏi cung, Bộ trưởng Quang cho biết việc này đã được thực hiện và "thực tế đã lắp lại một số địa bàn trọng điểm". Do còn khó khăn về kinh phí nên chưa triển khai rộng khắp, sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị tăng thêm kinh phí cho điều tra hình sự.
Trước ý kiến của đại biểu Nga về việc giao cơ quan khác quản lý nhà tạm giam để tránh bức cung, dùng nhục hình, Bộ trưởng Công an cho biết thực tế cơ quan điều tra không phụ trách việc này. "Việc này do Tổng cục thi hành án và hỗ trợ tư pháp quản lý thống nhất", ông thông tin.
Tiếp đó, Viện trưởng VKSND Nguyễn Hòa Bình cho biết dù đã cố gắng nhưng việc oan sai vẫn xảy ra với tỷ lệ nhỏ. Thời gian qua, với nhiệm vụ kiểm soát điều tra, Viện đã hủy bỏ nhiều quyết định khởi tố bị can cũng như không phê chuẩn các quyết định tố tụng khi chưa đủ căn cứ buộc tội. Viện cũng thu thập đầy đủ các chứng cứ gỡ tội, thận trọng khi ra các quyết định truy tố.
Viện trưởng Bình nêu ra 5 việc cần làm khi phát hiện án oan. Đó là: kịp thời minh oan; tích cực phối hợp để làm sáng tỏ, tìm ra tội phạm; triển khai trách nhiệm bồi thường; xem xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể; tổ chức rút kinh nghiệm...
Về vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn mà Viện vừa có kháng nghị đề nghị hủy 2 bản án kết tội, ông Bình cho biết đã giải quyết thận trọng với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an và ngành tòa án. Vụ án này nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch nước, sự đôn đốc của Ủy ban kiểm tra trung ương và Ban Nội chính. "Phán quyết cao nhất đã được ban hành. Vụ này không nằm ngoài các vụ án có oan sai khác, những việc cần làm chúng tôi sẽ làm", ông khẳng định.
Trước đề nghị tăng xét xử lưu động với các vụ án do người chưa thành niên gây ra để răn đe, giáo dục chung, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng "cách làm này là không nên". Theo ông, các em do chưa hoàn thiện thể chất, tâm sinh lý nên dễ bị tổn thương trong quá trình tố tụng. Việc xét xử lưu động trước nhiều người sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của người chưa thành niên. "Nếu trong quá trình xét xử, các em đã qua tuổi thành niên thì tùy một số trường hợp mới có thể đưa ra xét xử lưu động", người đứng đầu ngành tòa án cho hay. |
Nhóm phóng viên