Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 25/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong 2 ngày qua, lực lượng y tế đã triển khai các lực lượng, kết hợp sử dụng nhiều phương thức để tiến hành xét nghiệm toàn TP HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng. Mục đích của việc xét nghiệm là nhanh chóng sàng lọc F0, đưa ra các giải pháp cách ly, điều trị phù hợp.
Theo ông Long, qua xét nghiệm, với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, so với trước đây thì tỷ lệ nhiễm đã giảm, đây là tín hiệu khả quan.
Theo ông Long, hai ngày qua, ngành y tế đã triển khai lực lượng, dùng nhiều phương thức để xét nghiệm toàn TP HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm sàng lọc F0. Ngày đầu tăng cường giãn cách xã hội có một số bỡ ngỡ nhưng các lực lượng đã nhanh chóng khắc phục.
Việc mang thực phẩm tới từng nhà dân, chăm sóc y tế tại cơ sở đã giúp người dân TP HCM an tâm hơn, thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở đó". Thống kê cho thấy mức độ người dân đi lại giảm 80% so với những ngày trước. "Như vậy chúng ta đang đi đúng hướng, quản lý tốt việc thực hiện giãn cách xã hội", Bộ trưởng Long nói.
Bộ Y tế cùng các đơn vị khẩn trương đưa vào hoạt động gần 400 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm có trang thiết bị khám chữa bệnh, bình oxy, thuốc điều trị cần thiết hoạt động ngày đêm. Theo ông Long, mô hình này có ý nghĩa quan trọng là quản lý được sức khỏe và giúp ngay cho người dân trên địa bàn khi có nhu cầu.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phân tầng được kiện toàn. Bộ Y tế sẽ điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
"Nếu chúng ta giữ chắc được như thế này, cùng với đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh tại TP HCM sẽ sớm được kiểm soát", ông Long nói.
![Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/25/BAC1418-7703-1625120772-6484-1629903537.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EJxqhFSLbpiXDVJbYaIuuw)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nhật Bắc
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát (cuối tháng 4/2021) đến nay, dù đạt được kết quả nhất định, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Việc này gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cũng như hoạt động kinh tế, xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống người dân.
Trước tình hình này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước phân công Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 để trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đáp ứng yêu cầu huy động nhanh, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên cả nước.
Theo Thủ tướng, giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm và trước hết không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Thứ hai phải đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. "Chúng ta tăng cường hệ thống y tế xã, phường để người dân được tiếp cận sớm, tiếp cận nhanh, tiến hành phân loại hợp lý để có phương án điều trị phù hợp", ông nói.
Thứ ba, các cơ quan phải triển khai xét nghiệm thực sự khoa học, hợp lý; triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, hiệu quả; cộng với thuốc điều trị.
Bên cạnh việc tập trung cho phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương "không quên" các nhiệm vụ khác như: Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, vừa chống dịch, vừa sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn, "an toàn mới sản xuất"...
TP HCM hiện ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư, với 190.166 ca. Từ 23/8, thành phố siết giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở đó". Các tổ công tác đặc biệt phân phối (cấp phát hoặc đi chợ thay) lương thực, thực phẩm đến tận nhà dân.