Trong khoảng 4 tiếng đăng đàn Quốc hội ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến đã trả lời hàng loạt chất vấn nóng về giá thuốc, y tế cơ sở, bảo hiểm xã hội…
Bộ trưởng Y tế nói về giá thuốc
Giá thuốc ở Việt Nam ổn định
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng y tế làm rõ thông tin cho rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá các nước trong khu vực. Ngoài ra, theo ông, thời gian qua Bộ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, bao gồm cả tiền lương của cán bộ. Tuy nhiên, giá tăng thì người bệnh sẽ phải trả chi phí tăng lên, trong khi đời sống người dân còn khó khăn. “Bộ đã có giải pháp gì?”, ông hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tiến khẳng định, thời gian qua với việc ban hành một loạt thông tư trong lĩnh vực đấu thầu, “phải nói rằng thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao”. Trong những mặt hàng thiết yếu của “rổ giá tiêu dùng” thì thuốc đứng thứ 9, thứ 10, nghĩa là không tăng đột biến.
Bà Tiến cũng cho biết, theo đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế, giá của thuốc biệt dược ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN, trong khi các nước như Philippin, Thái Lan cao hơn mức trung bình này lần lượt là 37% và 19%. Đối với thuốc gốc (eneric), giá ở Việt Nam thấp hơn 33% so với mặt bằng chung ASEAN, trong khi Philippin và Indonexia cao hơn 72% và 20%.
Bộ trưởng Y tế nói về chính sách siết chi bảo hiểm
Bệnh viện muốn thuốc tốt, máy hiện đại, nhưng bảo hiểm lo vỡ quỹ
Cho rằng Bộ Y tế đang đẩy mạnh chính sách siết chi để tránh vỡ quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Phi Thường bày tỏ lo ngại, “dường như Bộ đang hướng nền y tế nước nhà theo y tế giá rẻ” với thuốc rẻ, vật tư rẻ, tận dụng vật tư, áp trần kỹ thuật cao để giảm chi. Liệu việc này có đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, làm gia tăng nguy cơ tai biến?
Trả lời đại biểu Thường, Bộ trưởng Tiến nói mối quan hệ giữa khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và người bệnh như một tam giác, luôn co kéo. Bệnh nhận muốn được hưởng những quyền lợi cao nhất, đóng thấp nhất, mệnh giá không muốn tăng. Với bác sĩ và ngành y tế, quan điểm là muốn thuốc tốt nhất, nhiều xét nghiệm chất lượng cao, muốn dùng máy hiện đại và muốn chữa tốt nhất, nhưng “như vậy rất tốn”.
Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội là cơ quan quản lý quỹ, “họ giữ quỹ nên phải bảo đảm không bị vỡ quỹ, nghĩa là phải có mức chi nhất định, hạn chế lạm dụng”. Lúc nào cũng giằng co tam giác đó, nếu thành tam giác cân thì nó hài hòa giữa các quyền lợi, nếu kéo về bên nào hơn thì xảy ra hoặc bị lạm dụng, trục lợi hoặc lạm dụng kỹ thuật hoặc xiết chi.
Bộ trưởng Tiến cho hay, “chúng tôi mới họp với các tỉnh tuần trước, đến 9 giờ tối vẫn phát biểu, vì vấn đề chi trả cho các bệnh viện rất nóng, chắc Bảo hiểm xã hội phải có những giải pháp để cân bằng thu chi và vẫn đáp ứng được khám chữa bệnh cho nhân dân”.
Đại biểu và Bộ trưởng trao đổi về kết luận của Kiểm toán nhà nước
Vì sao thiết bị mua về đắp chiếu?
Trong phiên chất vấn đã diễn ra cuộc hỏi - đáp thẳng thắn giữa đại biểu Nguyễn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam và Bộ trưởng Tiến xung quanh công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế.
Theo ông Chiến, vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều vấn đề, như thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, nhiều máy móc được đầu tư mới nhưng đắp chiếu. Đặc biệt, cùng một loại vật tư hóa chất và cùng một nhà cung cấp, nhưng lại được Bộ Y tế phê duyệt giá giữa các bệnh viện khác nhau, có sự chênh lệch lớn giữa giá được phê duyệt, có loại chênh nhau tới gần 7 lần.
Giải đáp vấn đề trên, bà Tiến nói một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng là vì “công suất quá lớn”, còn một số máy đắp chiếu là vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì.
“Kiểm toán có quyền kết luận, nhưng các bệnh viện và cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”, bà Tiến nói và giải thích sự chênh lệch giá trang thiết bị vật tư y tế là vì có nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã, đóng gói, công năng. Ví dụ, cũng là kim cánh bướm để luồn trong mao mạch nhỏ, bệnh viện Việt Đức mua giá 6.500 đồng, nhưng bệnh viện Chợ Rẫy gấp 7 lần vì đây là loại kim có khóa, có van, đầu vát để giảm đau cho các bệnh nhân ghép tạng. Tương tự như vậy, với dây truyền dịch và các hóa chất, tên cơ bản giống nhau nhưng chức năng sử dụng khác nhau nên giá rất khác nhau giữa các loại.
Giải trình của Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam
Xây dựng đội phản ứng nhanh cho y tế cơ sở
Nhận được nhiều câu hỏi về y tế cơ sở, Bộ trưởng Tiến đã dành thời gian để giải trình chi tiết nội dung này. Theo bà, đến nay y tế cơ sở đã có mạng lưới rộng khắp đến tận thôn, bản, tuy nhiên nguồn nhân lực còn hạn chế.
“Có đại biểu nói đi kiểm tra không thấy bác sĩ ở trạm thì không phải, kể cả các nước phát triển họ cũng không thể có các trạm y tế mà bác sĩ luôn ở đó, ở đây là điều dưỡng thực hành và bác sĩ chỉ đến có giờ và có hẹn. Vấn đề là luôn có bác sĩ trên tuyến huyện về, không phải bắt bác sĩ suốt đời làm ở trạm y tế xã”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết ngành sẽ tăng cường việc trung tâm y tế huyện cử người về trạm y tế xã. “Chúng tôi phối hợp với tổ chức y tế thế giới xây dựng một đội phản ứng nhanh, và đang vẽ bản đồ hơn 10.000 trạm y tế xã trong toàn quốc, giao cho giám đốc cấp sở và cấp huyện chọn những trạm cần thiết đầu tư”, bà Tiến cho hay.
Về chính sách cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, bà Tiến thông tin Bộ đang đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian phụ cấp thu hút những người đến vùng sâu, vùng xa công tác. “Chúng tôi đi làm việc với các trạm y tế ở miền núi phía Bắc, cán bộ nói nếu lương trạm trưởng với toàn bộ phụ cấp đến 12 triệu đồng mỗi tháng thì họ rất yên tâm công tác”, bà Tiến nói.
Theo bà, các phụ cấp trực, mổ ban đêm và đi vào vùng dịch cũng giúp tăng thu nhập cho y bác sĩ tuyến dưới. Trước đây tiền trực ở tuyến xã “chưa được bát phở” thì hiện đã vào khoảng 25.000 đồng; ca trực lớn được nhiều hơn; mổ một ca có thể phụ cấp 600.000 đồng. Lương của bác sĩ mổ tuyến huyện khoảng 15 triệu mỗi tháng, tuyến tỉnh gần 30 triệu.
Hoàng Thùy - Võ Hải
Xem diễn biến chính