Nhận định này được Trưởng ban chỉ đạo chống dịch Quốc gia Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành, chiều 7/5, trong bối cảnh dịch trong nước diễn biến phức tạp. Gần đây một số trường hợp hết thời gian cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính nCoV, làm lây lan dịch trong cộng đồng. Bộ Y tế mới có quy định từ ngày 4/5, người đã hết cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm hai lần âm tính vẫn không được ra khỏi khu cách ly.
Theo Phó thủ tướng, một trong những nguyên nhân bùng phát dịch là vấn đề quản lý người nhập cảnh. Thời gian qua, gần 20.000 chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh, cách ly tại khách sạn trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành không có kế hoạch quản lý chặt nhóm người này trước khi đề xuất cho nhập cảnh.
Ngoài ra, qua kiểm tra nhiều khách sạn tổ chức cách ly chưa nghiêm. Có hiện tượng nhân viên những nơi này không đeo khẩu trang, khách sạn không lắp camera giám sát. Việc bàn giao người hoàn thành cách ly về địa phương chưa có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành. Không ít trường hợp trong quá trình giám sát sức khỏe tại nhà nhưng đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
"Người cách ly xong 14 ngày vẫn nằm trong diện theo dõi nhưng gần như buông bỏ hết. Thời gian cách ly, theo dõi mà có người còn đi liên hoan, karaoke là không chấp nhận được", ông Đam nói và yêu cầu phải siết lại.
Theo đó, ông đề nghị toàn bộ những người kết thúc cách ly tập trung cần được bàn giao cho tổ dân phố nơi sinh sống; người lao động bàn giao cho doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc. Chính quyền, ngành y, cơ quan, doanh nghiệp cần kiểm tra lại trách nhiệm, không để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua. Tất cả khu cách ly tại khách sạn và trực thuộc quân đội phải lắp camera giám sát.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo chống Covid-19 Quốc gia sẽ thành lập một tổ giám sát trực tiếp qua hình ảnh từ các khu cách ly. Để xảy ra vi phạm tại khu cách ly, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Trưởng ban chỉ đạo chống dịch Quốc gia cũng nhận định đợt dịch này phức tạp hơn ba lần trước. Hiện, cả nước ghi nhận một số ổ dịch ở Hà Nam, Yên Bái - Vĩnh Phúc; Đà Nẵng; Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K (nguồn lây từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới). Một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây như tại Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội.
"Trong đó, tới bây giờ chưa tìm thấy F0 ở Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương. Điều này đồng nghĩa đã có mầm bệnh trong cộng đồng", ông Đam nói và cho hay virus chủng Ấn Độ mạnh hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn. Vì vậy, tỉnh nào chưa có dịch hết sức cảnh giác, còn tỉnh nào xuất hiện dịch cần bình tĩnh xử lý.
Về giãn cách xã hội chống dịch, ông Đam nêu kinh nghiệm một số địa phương như Hà Nội, TP HCM chỉ cho dừng hoạt động một số dịch vụ nguy cơ cao như karaoke, bar, vũ trường, trong khi một số tỉnh mới xuất hiện một vài ca nhiễm đã giãn cách toàn tỉnh. Từ đó ông cho rằng cơ quan y tế lúc nào muốn khoanh vùng rộng, giãn cách địa bàn lớn để chống dịch. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống dịch.
"Nếu khoanh vùng rộng, khi giãn cách và cách ly xã hội sẽ gây thiệt hại cao hơn. Vì vậy, cần cân nhắc kĩ việc giãn cách", ông Đam nói và yêu cầu tỉnh, thành muốn giãn cách xã hội cần trao đổi với các địa phương xung quanh để tránh ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Đối với ngành y tế, Phó thủ tướng yêu cầu các bệnh viện có ca Covid-19 cần lên phương án điều trị cho bệnh nhân ở các khu vực khác. Ngoài ra, các bệnh viện cần sẵn sàng phương án điều trị 30.000 người nhiễm trở lên mà không quá tải.
"Đây không phải lúc truy cứu trách nhiệm của nhau nhưng đã xuất hiện ca nhiễm trong đội ngũ y tế tại một số bệnh viện lớn. Điều này có phần trách nhiệm của chúng ta. Đề nghị Bộ Y tế quán triệt lực lượng ngành y từ lãnh đạo đến cấp dưới cần gương mẫu trong phòng, chống dịch", ông yêu cầu.
Hữu Công