"Một trong những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch là huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng chống dịch", Bộ trưởng Long nói với người đồng cấp ở Campuchia.
Bộ trưởng Long nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối tất cả cơ sở tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó.
"Hội chẩn từ xa là bài học rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần một và lần hai. Trong đợt dịch thứ ba liên quan Hải Dương, có nhiều bệnh nhân nặng nhưng chúng tôi đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong", ông Long nói.
Đợt dịch lần một tại Việt Nam xảy ra tháng 1-2 năm ngoái với tâm điểm là Vĩnh Phúc. Đợt dịch thứ hai liên quan đến Đà Nẵng vào tháng 7-8/2020. Đợt dịch thứ ba liên quan Hải Dương, Quảng Ninh và TP HCM, đầu năm nay.
Bộ trưởng Long cho biết sẵn sàng hỗ trợ Campuchia chống dịch, kết nối các cơ sở điều trị Covid-19 của hai nước để các chuyên gia trao đổi, hội chẩn hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sĩ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu.
Đợt này Việt Nam hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác. Đây là hỗ trợ lớn nhất của Việt Nam cho các nước phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ trước tới nay, theo ông Long.
Bộ trưởng Long mong muốn người đứng đầu ngành y tế Campuchia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam. Hiện nay tình hình nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp ở khu vực này.
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại Campuchia. Trong ba tháng đầu năm, nước này ghi nhận gần 7.000 ca nhiễm trong khi cả năm 2020 chỉ hơn 400 ca. Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao lân cận đang bị phong tỏa.