Sáng 7/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục phiên chất vấn. Đây là lần thứ hai ông đăng đàn ở Quốc hội và được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá "thẳng thắn nhận trách nhiệm" về hạn chế của ngành.
Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, nhiều đại biểu vẫn giơ biển tranh luận và bày tỏ chưa hài lòng với phần trả lời của người đứng đầu ngành Công Thương, nhất là với lĩnh vực điện.
Dự án Điện khí Bạc Liêu làm 'nóng' nghị trường
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tỏ ra sốt ruột với dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Đến nay, tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương, dự án vẫn chưa triển khai. "Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được", ông chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói đã hai lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất vừa gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.
Cho rằng câu trả lời này "còn chung chung", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời. "Bao giờ giải quyết, hiện rất chậm - tới 18 tháng và các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không", bà truy.
Sau đó, ông Tuấn Anh nói cũng mong sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện. "Tôi chắc cũng không thể nói được khi nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng ý kiến. Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi", ông nói.
Các đại biểu sau đó vẫn tranh luận gay gắt về dự án này và cho rằng chậm do Bộ Công Thương không tích cực.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng hoàn toàn đủ điều kiện để sớm bổ sung vào quy hoạch điện 7 ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài. "Tôi nghĩ Thủ tướng cũng đang chờ việc này trình lên", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Uỷ ban Tài chính Ngân sách) thì phản biện ý kiến của Bộ Công Thương, cho rằng dự án chậm vì vướng Luật Quy hoạch. Ông nói, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định dự án này không vướng Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban kinh tế là cơ quan chủ trì, thẩm tra Luật cũng nói tương tự.
"Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. Đây là dự án kỳ vọng thu hút đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, nơi được Đảng và Quốc hội rất quan tâm nhưng Bộ Công Thương không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này", ông Vân nói.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ rà soát lại. Bổ sung sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nhà đầu tư đề nghị xây dựng dự án với tổng công suất 3.200 MW nhưng Bộ Công Thương mới trình bổ sung 800 MW, nên khó khăn trong lập quy hoạch tổng thể cảng, kho khí.
Ông đề nghị, Bộ Công Thương xem xét kỹ, bổ sung quy hoạch tổng thể cụm điện khí này. "Khí có thể bổ sung từng giai đoạn nhưng cảng, kho phải làm trước", ông nói.
Năm 2020 khó giải tỏa công suất điện mặt trời
Sau đó, ông Trần Tuấn Anh tiếp tục bị chất vấn về các dự án điện khác. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận lại, dự án điện Long Phú đã thất bại và khả năng sẽ gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ" thua lỗ, nhà nước có khả năng mất hàng trăm triệu USD. Do đó, cần tập trung vào dự án điện Cà Ná vì nếu không, không đảm bảo cho đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, ông Trần Tuấn Anh nói đang chỉ đạo các bộ ngành thẩm định để thực hiện trong năm 2020. Với điện gió, sau tháng 11/2021 sẽ áp dụng theo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, khắc phục mặt hạn chế. Điện mặt trời cũng sẽ thực hiện tương tự và sẽ tổ chức đầu thấu cho các dự án này.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách tranh luận lại. Bà cho rằng Bộ trưởng Công Thương cần cân nhắc tính khả thi khi nói năm 2020 sẽ giải toả hết công suất nhà máy điện mặt trời. Bà Mai dẫn 4 lý do, là thời gian thực hiện còn 1 năm; cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa kể quy trình đầu tư theo pháp luật đầu tư công mất thời gian; nguồn lực đầu tư chưa rõ ràng và số lượng dự án còn khá lớn.
"Giờ mới giải toả được 30%, nghĩa là còn 70% công suất nữa, mà Bộ trưởng nói hy vọng trong một năm giải toả hết công suất. Tôi nghĩ khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn", bà nói.
Việc Bộ Công Thương ủng hộ Tập đoàn Trung Nam đầu tư đường dây 500 kV, theo bà Mai, cần cân nhắc "vì trái pháp luật, Luật Đầu tư, Đấu thầu và Luật Điện lực".
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh vẫn khẳng định "còn điều kiện để vận dụng pháp luật và có thể tách phần đầu tư các công trình truyền tải điện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác đầu tư". Về lâu dài, có thể đề xuất sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực để cho phép đa dạng hoá đầu tư hệ thống truyền tải điện."Đề xuất nhà đầu tư tư nhân làm đường dây 500 kV theo hình thức là hệ thống đường dây phục vụ phương án đấu nối của dự án với hệ thống điện quốc gia, chứ không vượt luật", ông Tuấn Anh khẳng định.
Bổ sung sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận vướng mắc lớn nhất trong huy động đầu tư đường truyền tải điện là Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền truyền tải điện. "Tuy nhiên, độc quyền này không có nghĩa độc quyền về đầu tư, mà chỉ độc quyền về quản lý, không nên máy móc", ông nói.
Vì sao chưa phát triển được cơ khí chế tạo
Lý do chưa phát triển được cơ khí chế tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa được Đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn ông Trần Tuấn Anh sáng 7/11.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận chưa đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lý do là ngành công nghiệp và công nghiệp cơ khí có xuất phát điểm quá thấp so với mặt bằng chung các nước. Hơn nữa Việt Nam đang phải đối mặt với việc hội nhập sâu rộng. Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam thực tế đi chậm sâu hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hoá.
Hơn nữa, theo ông, Việt Nam chưa xây dựng và thiết lập được một hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó các ngành công nghiệp. Ngay khâu đào tạo nhân lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận được với thị trường thuận lợi.
Ông Trần Tuấn Anh cũng nhận trách nhiệm khi là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ. Bộ sẽ tập trung quyết liệt cho công nghiệp cơ bản và các ngành quan trọng như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, chế tạo máy móc, đóng tàu, ôtô.
Hoài Thu - Hoàng Thuỳ - Viết Tuân