- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn quyết định cuối cùng của Bộ để bắt đầu thông báo cho các doanh nghiệp dệt may biết?
- Bộ không áp đặt một cơ chế cụ thể mà doanh nghiệp tự chọn theo phương thức nào mà họ cho là có hiệu quả. Về cơ bản Bộ vẫn giữ các nguyên tắc phân phối như hiện nay, tất nhiên là dựa trên thành tích nhưng phải điều chỉnh về hệ số. Nếu doanh nghiệp lớn có quota mà không làm có thể giao lại cho các doanh nghiệp nhỏ làm, ngược lại doanh nghiệp nhỏ có quota nhưng không có người mua thì có thể chuyển lại cho các DN khác, có thể di chuyển quota (*). Nếu các doanh nghiệp hình thành được chuỗi liên kết trình lên Bộ phương án và chuỗi vận hành cụ thể thì Bộ sẽ xem xét ưu tiên quota.
Chúng tôi đang bàn luận về vấn đề cải tiến phương án 1 và có thể sẽ bắt đầu đưa vào thực hiện vào đầu tháng 8 hoặc cuối tháng 7 này.
- Quay trở lại nội dung lá thư trước đây Bộ trưởng đã gửi doanh nghiệp dệt may, dựa vào kinh nghiệm nước nào ông đã đưa ra gợi ý cho phương án 2 là tập trung phân quota có khả năng xuất khẩu vào các doanh nghiệp nhập khẩu lớn?
- Thực ra bộ trưởng đã nghĩ ra từ rất lâu rồi, nhưng do bận nhiều việc quá vì do đàm phán Đông Âu, đàm phán song phương nên không có thời gian để nghĩ đến quota dệt may. Nhưng bắt đầu từ thời điểm này cần phải giải quyết như thế nào nên phải đề ra một phương án (*).
- Bộ trưởng nghĩ thế nào khi các doanh nghiệp đều phản đối gợi ý của ông?
- Tôi đưa ra phương án 2 là nhằm cảnh báo các doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp nhỏ không thay đổi công nghệ, không đổi mới về quản lý và không tiết kiệm chi phí thì sẽ giao quota cho các doanh nghiệp khác. Đưa ra phương án 2 là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chứ không phải gạt bỏ doanh nghiệp nhỏ. Tôi không bắt các doanh nghiệp phải làm theo và cũng không áp đặt một cơ chế cụ thể nào mà để doanh nghiệp tự chọn. Phương án 2 rất hay nhưng tôi biết là rất khó mà thực hiện được, vì cách hợp tác của người Việt Nam quá kém.
- Vậy nếu theo phương án 2, theo ông, doanh nghiệp như thế nào thì được gọi là lớn, thế nào là nhỏ?
- Lớn nhỏ là khái niệm ước lệ. Theo tôi, doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp có tổng chỉ tiêu về chất lượng tốt, số lượng sản xuất lớn chứ không phải có quy mô lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ là các doanh nghiệp không đạt về chỉ tiêu và chất lượng sản phẩm. Vì thế nếu các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tổng chỉ tiêu sản xuất lớn vẫn được phân bổ quota.
Theo tôi, nếu làm ăn lâu dài giữ uy tín, nếu chất lượng sản phẩm tốt, các đối tác Mỹ sẽ làm ăn lâu dài với mình. Còn chất lượng kém thì Mỹ sẽ quay sang bán quota cho các nước khác như Ấn Độ, Brazil, Pakistan, nên chúng ta phải cần tạo ra một cơ chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm để thu hút thị trường nước ngoài.
Trong Hội thảo Thương mại toàn quốc diễn ra tại TP HCM hôm 21/7, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã bày tỏ rõ sự không đồng tình phương án 2 mà Bộ trưởng Tuyển đưa ra. Ông cho rằng, phương án này có thể gây bất lợi cho ngành dệt may Việt Nam nhất là khi vào năm 2005, Mỹ bỏ quota hàng dệt may cho các nước khác, nhưng vẫn áp đặt quota với Việt Nam. |
Thùy Vinh thực hiện
(*) và (*): Phần in đậm đã được cải chính sau lần đăng thứ nhất. Toà soạn xin được cáo lỗi Bộ trưởng và bạn đọc. |