Giá quota dệt may đang sốt ảo. Ảnh: Anh Tuấn |
Trong lá thư gửi Hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu chiều nay, ông Tuyển cho rằng sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu dệt may 5 tháng đầu năm nay, đặc biệt là ở thị trường EU và Mỹ, có nguyên nhân từ khả năng cạnh tranh thấp của ngành sản xuất Việt Nam trong điều kiện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bỏ hạn ngạch cho các nước thành viên. "Tôi đã dự báo điều này từ đầu năm 2004 trong 3 lần viết thư gửi các doanh nghiệp dệt may, khi đề nghị thành lập mô hình liên kết chuỗi. Rất tiếc, nhiều doanh nghiệp dệt may của ta chưa ý thức đầy đủ và dự báo đúng đắn tình thế này. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh, làm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm là yêu cầu đặt ra vừa cấp bách vừa lâu dài", ông Tuyển nhấn mạnh trong thư.
|
Bên cạnh nguyên nhân khách quan bên ngoài, việc thực hiện hạn ngạch chưa hiệu quả cũng là một yếu tố tác động tới tình hình xuất khẩu dệt may. Thực tế đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu nhưng không có hạn ngạch, và ngược lại. Theo Bộ trưởng Tuyển, Chính phủ đã cho phép chuyển nhượng hạn ngạch, nhưng các doanh nghiệp vẫn chờ tìm cơ hội xuất khẩu mà chưa rõ khi nào có được hợp đồng, hoặc chờ giá chuyển nhượng tăng hơn. Do đó, việc chuyển nhượng hạn ngạch giữa các doanh nghiệp thực hiện cầm chừng.
Để xử lý tình hình này, ông Tuyển cho biết có ý định sẽ cấp visa tự động ở 5 chủng loại (Cat 347/348, 647/648, 334/335, 638/639) mà 5 tháng đầu năm thực hiện còn thấp. Cơ chế này sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp có năng lực sản xuất, có hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu cho các nhà phân phối lớn. Một giải pháp khác cũng có thể áp dụng là thu hồi hạn ngạch của các doanh nghiệp mà 5 tháng qua mới thực hiện được dưới 35% lượng được cấp, khi doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thực sự sẽ được cấp lại.
Bộ trưởng Tuyển cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trước khi đi đến quyết định chính thức để thực hiện vào nửa cuối tháng 6 đầu tháng 7, nhằm đảm lợi ích toàn cục của ngành dệt may Việt Nam.
S.L.