Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc sáng 1/7, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun đánh giá mối quan hệ hai nước đang gần gũi hơn bao giờ hết. "Quan hệ hai nước đã 32 năm. Tuổi 30 của con người là tuổi quan trọng để xác định hướng đi, đương đầu thách thức mới", ông nói.
Năm 2023, thương mại hai nước đạt 76 tỷ USD. Để chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo, ông Ahn Dukgeun cho rằng cần mở rộng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030, trước mắt đạt 100 tỷ USD vào năm 2025. Ông hy vọng phạm vi hợp tác giữa hai nước sẽ được mở rộng với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và thiết lập mạng lưới cung ứng ổn định. Việt Nam có tài nguyên đất hiếm, Hàn Quốc có công nghệ sản xuất tiên tiến "nên hai nước có tiềm năng lớn, có thể xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, từ tài nguyên khoáng sản, vật liệu".
"Việt Nam là quốc gia đầu tiên Hàn Quốc ký thỏa thuận khí hậu quốc tế. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân, là điều cần thiết cho phát triển năng lượng Việt Nam", ông Ahn Dukgeun cho hay.
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho rằng hai nước cần tiếp tục tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với phía Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rất ấn tượng với cách ví von của Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun về mối quan hệ 32 năm của Việt Nam và Hàn Quốc. "Quan hệ hai nước chúng ta đang ở giai đoạn đủ độ chín sau hơn 30 năm thiết lập. Quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam làm ăn luôn được bảo đảm ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng giữa các đối tác. Với trọng tâm mở rộng đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, hợp tác để mở ra chân trời phát triển mới.
"Hai bên cần chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại để hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị thông minh, quản trị quốc gia", ông nói, đề nghị các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới nổi, quan trọng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa, giải trí.
Ông mong muốn các nhà đầu tư phát huy tinh thần "ba cùng: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hợp tác toàn cầu, toàn diện, toàn dân", cùng nhau "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Diễn đàn do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Lotte, Hyosung Corp và Hyosung HS.
Chủ tịch Lotte Shin Dong Bin chia sẻ từ năm 1996 tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam, tháng 9/2023 khai trương Lotte Mall Tây Hồ. Lotte đang triển khai dự án Eco Smart City ở Thủ Thiêm (TP HCM), khởi công tháng 8/2022 và đang chờ định giá đất. Ông mong Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ định giá đất để triển khai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực từ 1/8, Nghị định về định giá đất sẽ được ban hành, nên vấn đề định giá đất mà Chủ tịch Lotte nêu sẽ được xử lý. Ông mong Lotte tiếp tục mở rộng đầu tư với mô hình Lotte Mall ở các tỉnh, thành của Việt Nam.