Phát biểu về dự luật phí và lệ phí tại hội trường Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị bãi bỏ việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy. Theo bà Tâm, khoản phí này không được người dân đồng tình. Bản thân việc thu phí cũng không hợp lý, thiếu công bằng và khó thực hiện trong thực tiễn.
Giờ giải lao bên hành lang Quốc hội, nhân lúc báo chí phỏng vấn Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, đại biểu Quyết Tâm tiếp tục bày tỏ mong muốn của thành phố về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ. Bà Tâm cho rằng nhà nước đặt ra việc thu phí đối với môtô khi sử dụng đường bộ là nhằm tạo kinh phí để duy tu và thực hiện một số công trình phục vụ cho người dân. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét lại bởi một chiếc xe khi đến tay người sử dụng đã chịu quá nhiều loại thuế và lệ phí, giờ thêm phí đường bộ là không hợp lý.
Đề cập việc Bộ trưởng Thăng nói rằng địa phương có quyền quyết định thu phí bảo trì đường bộ với môtô, bà Tâm cho rằng cần xem xét lại. Nếu có quyền đó thì không bao giờ Hội đồng nhân dân TP HCM quyết định thu phí. TP HCM là địa phương quyết định thu phí chậm nhất so với 63 tỉnh thành, được bộ ngành nhiều lần nhắc bằng văn bản. Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân cũng bàn và thấy rằng luật đã quy định thì phải làm.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM phân tích cặn kẽ từng lý do để đề xuất không thu phí. Thứ nhất, hiện nay việc thu phí giao cho phường xã. "Nhiều người dân nhắn vào máy tôi nói rất tội cho các đồng chí thu phí vì việc đó đang rất phức tạp, mà số thu không lớn". Thứ hai, kinh tế xã hội dù vẫn khó khăn nhưng đã phát triển, dân đã đóng nhiều khoản, nếu tiết kiệm, điều hành ngân sách hợp lý, đặc biệt nếu thu đủ các khoản như khoản tham nhũng (hiện mới thu được 22%) thì dư sức bù đắp vào các khoản mà người dân đóng góp.
Một lẽ nữa bà Tâm cho rằng ít có cơ hội nói với Bộ trưởng đó là sự thiếu công bằng. "Người dân nói với tôi thế này, cán bộ lãnh đạo đi làm bằng ôtô của cơ quan, ôtô phải đóng phí do ngân sách nhà nước trả, còn cán bộ công chức, người dân đi xe thì phải tự trả phí, rất thiếu công bằng. Đi đường đất, mưa thì lầy, nắng thì bụi mà cũng phải trả phí bằng người đi trên đường đẹp, thiếu công bằng nhiều lắm! Mong Bộ trưởng xem xét lại", bà Tâm nói.
"Rất cảm ơn chị Tâm và hoàn toàn chia sẻ với chị. Tôi khẳng định lại lần nữa theo quy định của luật phải thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, nhưng trong nghị định và thông tư hướng dẫn chỉ quy định mức thu tối đa, không quy định mức tối thiểu, có nghĩa Hội đồng nhân dân có quyền quyết định mức thu bằng không. Đối tượng thu cũng do Hội đồng nhân dân quyết định, ví dụ người nghèo thì không thu", Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích.
Ông Thăng khẳng định phí bảo trì đường bộ dành cho sửa chữa, duy tu đường ở địa phương, chứ không phải quốc lộ. Còn đường lầy lội là trách nhiệm của địa phương, phải đảm bảo công bằng giữa các vùng. "Xin khẳng định lại với chị, Hội đồng nhân dân có quyền quyết định mức thu phí đối với xe máy toàn bộ nhân dân TP HCM bằng 0 đồng", ông Thăng nhấn mạnh.
"Không phải thế. Trong khung Bộ Tài chính hướng dẫn, xe trên 100 phân khối và 170 phân khối thì mức thu tối đa, tối thiểu là bao nhiêu. Mức tối thiểu là 100.000 đồng/xe. Hội đồng nhân dân TP HCM quyết định thu mức 100.000 đồng, muốn hạ xuống nữa cũng không được, không có chuyện là 0 đồng", bà Tâm phản bác.
"Đấy là quy định cũ, bây giờ đã có văn bản mới là chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu. Mai tôi sẽ mang cho chị văn bản này", Bộ trưởng Thăng nói và thông tin Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến địa phương, đã có 27 tỉnh thành trả lời. Trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ, 24 tỉnh thành hoan nghênh tiếp tục thu nhưng phải có chế tài xử phạt đối với người không chấp hành.
"Nếu có quy định mới như thế thì nhất định Hội đồng nhân dân thành phố sẽ áp dụng mức thu bằng 0", bà Tâm quả quyết.
Chí Hiếu