Người đứng đầu ngành tài chính - Vương Đình Huệ chia sẻ các thông tin trên trong phiên họp tổ của Quốc hội sáng nay khi một số đại biểu đặt câu hỏi vì sao giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa giảm, trong khi nhiều ngày qua, giá thế giới đã xuống rất thấp.
Ông Huệ cho biết giá bán lẻ trong nước được tính trên cơ sở xăng dầu thành phẩm thế giới, chứ không phải dầu thô. Hiện nay, giá dầu thô giảm nhưng mỗi thùng xăng thành phẩm có giá khoảng 122-124 USD một thùng. Đây là mức rất cao, vì vậy, giá xăng bán lẻ trong nước chưa thể giảm được.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định sẽ giảm giá bán xăng ngay khi có cơ hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Giá bán lẻ được tính toán trên cơ sở xăng dầu thành phẩm thế giới chứ không phải căn cứ vào dầu thô. Giá thế giới đang cao, chúng ta không thể duy ý chí giảm được", Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ việc đầu tiên mà ông làm mỗi sáng là xem bảng giá xăng dầu do Cục Quản lý Giá gửi. "Tôi theo dõi sát lắm, nếu có cơ hội là tôi giảm giá ngay", ông Huệ nói.
Ông cho biết tại thời điểm dầu diezel giảm 400 đồng một lít hôm 10/10, giá thế giới hạ nhiệt và có cơ hội điều chỉnh. Mức giảm tuy chỉ 400 đồng nhưng tác động tới chỉ số CPI nên nhận được sự đồng thuận của dư luận. Lần đó, Liên bộ Tài chính - Công Thương và doanh nghiệp đều tính toán rất sát. Phía Petrolimex cũng khẳng định có thể giảm được 300-400 đồng.
"Tăng hay giảm, quan trọng nhất là minh bạch thông tin. Đối với giá điện cũng vậy. Theo kế hoạch sang năm, chúng tôi cũng báo cáo Quốc hội tiếp tục kiểm toán Petrolimex; thanh tra toàn diện EVN và ngành tài chính cũng thực hiện thanh tra các đơn vị bán điện cho EVN như Petrovietnam, Vinacomin", ông Huệ tiết lộ.
Tại buổi họp tổ sáng 24/10, Bộ trưởng Huệ cũng giải bày các quan điểm của ông liên quan đến những vấn đề mà dư luận cũng như các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm như nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tăng lương cơ bản, giá xăng dầu, điện và chỉ số CPI. Các vấn đề này cũng sẽ được người đứng đầu ngành tài chính giải trình trong phiên chất vấn tới đây.
Ông Huệ khẳng định nợ công của Việt Nam ở ngưỡng an toàn và khả năng chi trả cao. Các khoản nợ của Việt Nam chủ yếu là ODA với lãi suất thấp, thời gian trả nợ lâu và có nhiều ân hạn. "Điều quan trọng không phải chúng ta nợ bao nhiêu mà khả năng trả nợ thế nào. Nói như vậy không phải chúng ta lạc quan tếu mà nếu không đủ khả năng trả nợ, các nước đã không cho Việt Nam vay", ông Huệ nhấn mạnh.
Về vấn đề đầu tư công, ông Huệ cho biết tới đây 2 bộ Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư sẽ "ngồi lại" với nhau để sắp xếp các công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên và cân đối ngân sách cho từng công trình. Khi nào Chính phủ xác định dự án nào đủ tiền mới quyết định đầu tư.
Đối với dự án tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Huệ cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị định vai trò chủ sở hữu và hệ thống quản lý. Bộ Tài chính cũng xây dựng xong Nghị định của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn và dự kiến trình Chính phủ trong tháng này. "Chúng tôi cũng hoàn thiện xong hệ thống giám sát tài chính doanh nghiệp. Trong đó quy định chế độ cung cấp thông tin và mức xử phạt cụ thể đối với doanh nghiệp vi phạm chế độ báo cáo", ông Huệ nói.
Ông Huệ cho biết Nghị quyết Trung ương 3 đã nêu rõ đến năm 2015 sẽ thực hiện việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành. "Thủ tướng đang giao cho chúng tôi thanh tra toàn bộ các công ty chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm tra toàn bộ hệ thống ngân hàng", ông Huệ thông tin thêm.
Đối với đề xuất tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng cho công chức Nhà nước từ 1/5/2012, ông Huệ khẳng định việc điều chỉnh này thực hiện theo lộ trình. Song song với việc tăng lương, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả.
"Nếu tăng lương mà khống chế được lạm phát thì ta thành công. Còn nếu tăng lương mà giá chạy trước thì tăng lương sẽ không còn ý nghĩ gì cả", ông Huệ nhấn mạnh.
Hồng Anh