Chiều 31/10, giải trình trước Quốc hội về cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 2019 là năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trung ương vượt dự toán. Các chỉ tiêu tổng thu, huy động vào ngân sách, thu nội địa... đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm, trong đó thu nội địa năm 2020 dự kiến đạt 84% ngân sách.
Bội chi kiểm soát cả số tuyệt đối và tương đối, khi năm 2020 ước 3,44% GDP, vượt mục tiêu dưới 3,5% GDP. "Nhờ kiểm soát tốt, nợ công đã giảm một nửa so với giai đoạn trước và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông phân tích, nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng khoảng 18% GDP một năm và GDP danh nghĩa là 14,5% thì nay đã giảm về lần lượt 8,2% và 9,7% một năm. Theo tính toán, nợ công năm 2020 khoảng 54,3% GDP, thấp hơn nhiều mức 63,7% GDP cách đó 4 năm.
Dù vậy, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận, điều hành ngân sách gặp khó khăn khi tỷ lệ huy động thuế, phí giảm dần và chưa đạt mục tiêu 21% GDP giai đoạn 2019-2020. Nguyên nhân là nguồn đóng góp từ dầu thô, xuất nhập khẩu giảm nhanh trong vài năm qua, từ mức 7,3% GDP năm 2015, xuống 4,5% năm 2016, dự kiến còn 4,2% 2019 và giảm tốc về 3,6% năm 2020.
Thu từ một số lĩnh vực tăng trưởng cao trước đây đều giảm, trong đó thu từ nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất giảm tới 19%, còn thu từ ngành than chỉ 8,2%... Mặt khác, thu nội địa một số thành phố lớn có điều tiết về ngân sách trung ương đều giảm, như Hà Nội năm 2020 giảm gần 10% so với 2017; TP HCM giảm hơn 3%, Bình Dương gần 8%..., ông Dũng nói "là nguyên nhân cân đối thu ngân sách trung ương khó khăn".
Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thanh Tùng - Phó đoàn chuyên trách TP Hải Phòng lo lắng khi cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững.
"Thu ngân sách từ nguồn thực lực nền kinh tế, cụ thể là khối sản xuất ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài còn thấp, không đạt kế hoạch", ông nhận xét và đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ thêm tác động từ đóng góp của nguồn lực này.
Cụ thể, tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%, còn các khoản thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh. Trong khi đó, thu từ ba khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch.
Để cơ cấu thu ngân sách bền vững, ông kiến nghị, trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách khá cao cho một số địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương.
Trong khi đó, ông Phạm Phú Quốc - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM gợi ý, Bộ Tài chính cần có phân tích chứng minh hiệu quả về tỷ lệ phân chia ngân sách và tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại.
"Mối liên hệ giữa tỷ lệ này với dân số của mỗi tỉnh thành, chỉ số ICOR số đồng ngân sách tạo nên số đồng GDP, hiệu quả và thời gian thu hồi vốn, đòn bẩy tăng trưởng và tạo ngân sách mới, nhu cầu thực tiễn đầu tư phát triển của địa phương, của vùng và khu vực liên quan", ông nói.
Vị này cũng kiến nghị cần tăng tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại cho một số thành phố, vùng kinh tế trọng điểm. "Nguồn ngân sách động lực mới này sẽ góp phần cho đầu tư phát triển vùng, tạo tăng trưởng vùng và lan tỏa tăng trưởng cho nền kinh tế", ông nói thêm.
Cho rằng nhận xét của các đại biểu là đúng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói "đúng là thu ngân sách 4 năm qua luôn đạt dự toán, còn thu ở 3 khu vực kinh tế đều không đạt". Nhưng ông Dũng cũng cho rằng, thu từ sản xuất kinh doanh vẫn góp tỷ trọng lớn trong thu ngân sách khi đạt 45% ngân sách Nhà nước năm 2020, tăng khoảng 7% so với cách đây 3 năm.
Một trong những nguyên nhân, theo trưởng ngành tài chính, do chủ quan khi giao dự toán chưa sát. Thực tế này đã được Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội năm 2018, và đang từng bước điều chỉnh giao dự toán sát thực tế hơn.
Anh Minh