Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận về dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, luật hiện hành đã quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Ngoài ra, theo luật mẫu của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước OECD cũng khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra chế tài như vậy, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang phát triển giao dịch điện tử, thương mại qua biên giới.
"Ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài, không quản lý không được, chưa kể kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, nên rất nhiều vấn đề cần xem xét, xử lý. Phải rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, góp ý quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế vấp phải ý kiến trái chiều từ các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang - Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nói quy định trên chưa phù hợp và đang "vênh" với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.
Vì thế, nữ đại biểu tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, cần có sự hài hòa giữa hai quy định này để không ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, để tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật.
"Tôi đề nghị ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt phải quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người nộp thuế", bà Phạm Thu Trang nói.
Trong khi đó ,đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ lại không đồng tình và cho rằng quy định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế là hợp lý, để "hỗ trợ cơ quan thuế đảm bảo nguồn thu thuế".
Bà Thơ phân tích, vừa qua các ngân hàng thương mại đã cung cấp thông tin tài khoản doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Song thực tế một cá nhân có nhiều tài khoản khác nhau. Nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể dẫn tới thất thu thuế. Ngân hàng trong xu thế cạnh tranh để đảm bảo duy trì nguồn khách hàng cũng không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Quy định thu thuế với kinh doanh thương mại điện tử 'còn mờ nhạt'
Đại biểu Lê Quang Huy quan tâm đến việc quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử.Theo ông, quan điểm sửa đổi luật đối với hoạt động thương mại điện tử c"òn mờ nhạt, chưa thiết kế đầy đủ các định chế pháp lý đầy đủ rõ ràng đối với loại hình hoạt động này".
"Đành rằng quản lý thuế loại hình này phải dựa trên nền tảng công nghệ, đây là một thách thức lớn, phải được chuẩn bị kỹ nhưng chúng ta phải xác định công tác quản lý thuế mang tầm dài hạn, phát triển theo kịp các loại hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ. Cần nhấn mạnh thêm chính sách quản lý thuế đối với thương mại điện tử không nên đặt mục tiêu tận thu mà phải thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử tuân thủ đúng pháp luật, tránh quy định hạn chế sự phát triển của nó", ông Huy nói.
Khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử, ông Lê Quang Huy cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính (trong đó cơ quan thuế, hải quan), Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan... Thậm chí cần sự tham gia phối hợp của các công ty viễn thông, các tổ chức khai báo trung gian, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử...
Tương tự, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng cho rằng, việc sử dụng phương pháp thu thuế các giao dịch thương mại điện tử là tất yếu, song bất cập là phí giao dịch nộp thuế qua ngân hàng hiện đang khá cao, gây khó khăn cho người nộp thuế, doanh nghiệp. "Phí cao nên họ không chọn kê khai nộp thuế qua ngân hàng", bà Thơ nói.
Bà đề nghị, các ngân hàng thương mại cần xác định khoản phí nộp thuế không cao hơn hoặc cao hơn không nhiều so với nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế giảm chi phí trung gian, thống nhất trong thu nộp thuế.
Anh Minh