Sáng 22/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 9, cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Một trong số vấn đề đưa ra thảo luận là nên giữ lại Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hay không. Nguồn để lập quỹ này trước giờ được trích theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua đóng theo hợp đồng. Cụ thể, tỷ lệ trích vào quỹ là 0,3% tổng doanh thu với phí giữ lại của hợp đồng. Tức là, hợp đồng bảo hiểm 100 đồng, doanh nghiệp sẽ phải trích 0,3 đồng để đóng vào Quỹ. Số tiền này nhằm bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản, mất khả năng thanh toán.
"Sau 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Nên việc duy trì các quỹ trên là không cần thiết, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết.
Do đó, cơ quan này đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư đúng mục đích ban đầu khi lập quỹ này.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị giữ lại quỹ này vì "không thể đảm bảo 100% doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bị khó khăn, giải thể hay không gặp vấn đề bất thường khác".
Dẫn chứng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, việc dùng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động rất nhiều, ông Phớc cho rằng, nếu không có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Nhà nước sẽ không có công cụ để can thiệp khi xảy ra rủi ro.
"Hiện quỹ có khoảng 1.000 tỷ đồng và chưa chi đồng nào từ khi lập. Quỹ này được lập ra nhằm mục đích chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm, chứ không chi vào việc khác. Việc duy trì quỹ này là cần thiết", ông nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, thay vì bỏ quỹ này thì nên giảm mức trích nộp xuống 6-10 lần mức hiện tại để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo Luật Dân sự 2015, quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm...
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hợp đồng bảo hiểm là nội dung quan trọng bảo đảm lợi ích hài hoà các chủ thể tham gia từ cung cấp dịch vụ, làm hợp đồng, thụ hưởng bảo hiểm... Ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ, đảm bảo tính đặc thù của kinh doanh bảo hiểm trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, cũng như bên bán. Các nguyên tắc chung về hợp đồng đã được nêu chi tiết tại Bộ luật Dân sự 2015, theo ông, không cần thiết nêu lại tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ cùng cơ quan soạn thảo rà soát tiếp, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm, như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm...
Về các khoản thưởng, hoa hồng cho đại lý bảo hiểm, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình góp ý, một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung này, để đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhất là trong tăng tính cạnh tranh nhằm thu hút đại lý giữa các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy luật kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật đã thiết kế, nêu rõ các khoản mà đại lý bảo hiểm (đại lý bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ) có thể được nhận và các khoản này được quy định rõ tại hợp đồng đại lý bảo hiểm. Việc này để công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cả đại lý và doanh nghiệp bảo hiểm.
Để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhằm lôi kéo đại lý, Bộ trưởng Tài chính sẽ quy định mức trần tối đa các khoản chi hoa hồng, thưởng, hỗ trợ đại lý và các quyền, lợi ích hợp pháp khác...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần tiếp cận theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các hiệp định, cam kết quốc tế và bảo đảm công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển.
"Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn. Dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất nhanh, nhưng còn thấp so với dư địa, tiềm năng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng nhấn mạnh quan điểm, Nhà nước khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, bảo hiểm.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu dự án này tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).