Vướng mắc trong cải tạo, mở rộng dự án sử dụng vốn công tại nhiều địa phương, sự chồng lấn quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước nhận nhiều tranh luận tại phiên chất vấn sáng 6/11.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, đặt vấn đề Luật Ngân sách Nhà nước quy định về sử dụng chi thường xuyên để mua sắm thiết bị, nhưng Luật Đầu tư công lại quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản... đều phải từ nguồn vốn đầu tư công. Ông Cường đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết.
Giải thích, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng tài chính nói đã nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật Đầu tư công 2014 "trói" tất cả dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công không phân biệt giá trị dự án bao nhiêu tiền. Ngoài ra, nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, theo Luật Đầu tư công.
Tức là, chi phí làm quy hoạch, chi phí chuẩn bị đầu tư, và các vấn đề hỗ trợ lãi suất cũng đưa vào luật đầu tư công. Điều này dẫn tới thực trạng, Nhà nước nợ 2.200 tỷ đồng các ngân hàng thương mại nhưng chưa bố trí kinh phí được để hỗ trợ các ngân hàng chính sách. Hay nhiều nơi nhà cửa hỏng mà không có kinh phí sửa.
"Chẳng hạn, đại sứ quán Việt Nam tại Đức đang thiếu hàng rào, nhưng Luật Đầu tư công không bố trí vào trung hạn, không làm được hàng rào, đấy là sự thật", ông nói.
Ông Phớc đề nghị phải giải quyết vấn đề này để đảm bảo kinh tế phát triển, không vướng cho cán bộ làm, không sai phạm khi làm theo chỉ đạo.
Bổ sung, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhận xét vướng mắc ở đây "có lẽ không hẳn do Luật Đầu tư công, mà vướng ở Luật Ngân sách nhà nước". Theo ông, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới phải theo quy trình tại Luật Đầu tư công. Bộ trưởng Dũng thông tin, Chính phủ đang trình Quốc hội, việc dự án dưới 15 tỷ đồng được thực hiện theo chi thường xuyên.
Không hài lòng phần trả lời của Bộ trưởng Dũng, từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư. Ông cho hay, sau rà soát các cơ quan Quốc hội khẳng định và trả lời Chính phủ, rằng trong thực tiễn, không có văn bản pháp luật, trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên, chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền.
"Không phải trên 15 tỷ đồng là đầu tư công, còn dưới 15 tỷ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, giáo dục đào tạo là chi hàng trăm tỷ, đây là tính chất khoản chi chứ không phải căn cứ vào giá trị của khoản chi", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, qua rà soát pháp luật các cơ quan của Quốc hội cho biết không vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công, và đề nghị Chính phủ rà soát xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách hay không. Kết quả là cũng không thấy báo vướng mắc gì. Do đó, Quốc hội đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù chi thường xuyên, đầu tư ra khỏi chương trình, dù Chính phủ trình 3 lần.
Ông Huệ nói thêm, vấn đề này đã tranh luận nhiều, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính từng nói "từ nay không nêu lại vấn đề này", nhưng hôm nay Bộ trưởng nói lại. "Vì đã 3 lần chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát", ông thông tin.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tổ rà soát văn bản quy phạp pháp luật của Chính phủ và Quốc hội làm việc độc lập, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương từ 500 văn bản, thông tư, nghị định đến Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
"Nhưng không hề có một bộ nào nói gì về vấn đề này", ông Vương Đình Huệ nói, và thêm rằng nếu có vướng mắc sẽ sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Còn nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nằm ở đâu.
Để tường minh, ông Vương Đình Huệ nói sẽ mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thêm vấn đề này.
Giải trình tại phiên chất vấn chiều 6/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh nói sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Ngân sách nhà nước 2014 có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn. Vấn đề chỉ phát sinh từ năm 2021 khi Bộ này ban hành Thông tư 65, không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các nội dung chi đầu tư.
Vì thế, từ 2022 đến nay, các địa phương, bộ ngành đều vướng mắc, không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư.
Theo ông Mạnh, Bộ trưởng Tài chính cho rằng nguyên nhân dẫn đến vướng mắc là tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công, nhưng quy định này dựa vào tính chất để phân loại 2 dự án đầu tư công, chứ không định nghĩa dự án là gì. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định trong các cuộc họp không có quy định cấm sử dụng khoản chi thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư", ông nói, và nhìn nhận"ở đây có cách hiểu rất khác nhau".
Giơ biển tranh luận, ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, đồng tình với Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, rằng vướng mắc chính trong chi nâng cấp, cải tạo dự án là Thông tư 65/2021 của Bộ Tài chính. Hiện hầu hết địa phương gặp vướng mắc này, như việc sửa chữa và nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đang phải làm theo thủ tục đầu tư công.
"Nếu chi thường xuyên thì phải tìm cái tên cho ít bị để ý đến giải trình nhỏ to với cơ quan chức năng.ví dụ cụ thể cho nguyên nhân cho tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm những việc cần phải làm", ông nói, và đề nghị Bộ Tài chính giải thích cho cụ thể "để không cơ quan nào có thể bắt bẻ việc chi thường xuyên thế này".
Ngoài ra, Luật Ngân sách cũng có vấn đề là trước đây quy định chi thường xuyên cho dự án có tính chất đầu tư và đến năm 2015 thì bỏ nội dung này. "Nên sửa luật theo hướng đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào luật và sửa ba luật Ngân sách, Tài sản công, Đầu tư công", ông Hậu nêu, và đề xuất phương án một luật sửa nhiều luật với nội dung này.