Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Có nên giữ giá trần, sàn với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (giá vé máy bay) nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khi giải trình, nói việc Chính phủ giữ quan điểm cần quy định trần giá vé máy bay là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và người thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không và giảm chi phí xã hội.
Theo ông, hiện có 6 hãng hàng không, nên để đảm bảo cạnh tranh giữa các hãng, và quản lý Nhà nước cần quy định giá trần. Ông nói thêm, Nhà nước luôn chia sẻ với doanh nghiệp, như giảm thuế bảo vệ môi trường 70% với nhiên liệu bay thời gian qua để các hãng hạ giá thành, giá cước.
Về giá sàn vé máy bay, Bộ trưởng Phớc cho hay hiện một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ đã bỏ giá tối thiểu với mặt hàng này.
Theo ông, hiện dải giá của các hãng hàng không rất rộng, 10-15 bậc, không phải giá nào cũng đưa xuống mức sàn, mà tùy từng chuyến bay, nhóm khách hàng. "Vì thế cần bỏ giá sàn và giữ trần vé máy bay để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thảo luận trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng cần giữ trần giá vé máy bay, bởi "nếu không có giá trần, doanh nghiệp hàng không muốn tăng giá vé lúc nào cũng được".
"Giữ giá trần vé máy bay để người dân hưởng giá hợp lý", ông Hòa nói.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình quan điểm giữ giá trần và bỏ giá sàn với vé máy bay. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, quan điểm này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho là cần thiết. Bởi, nếu bỏ giá trần Nhà nước không có công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ.
"Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và tác động đến xã hội", ông Mạnh nêu.
Dẫu vậy, cũng có quan điểm không đồng tình với quy định này. Ông Tạ Văn Hạ, đại biểu tỉnh Quảng Nam nói nên bỏ giá trần và sàn với vé máy bay vì không phù hợp kinh tế thị trường, cơ chế giá thị trường.
Việc áp dụng giá trần - sàn, theo đại biểu cũng không phù hợp Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Cạnh tranh. Mặt khác, hiện đã có 6 hãng hàng không, không còn tuyến hàng không nào độc quyền.
Thực tế, giá cao trong giai đoạn cao điểm, theo ông là phản ánh đúng quy định kinh tế thị trường, cung cầu. Giá trần chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lượng vé hãng hàng không bán ra.
"Việc không quy định giá trần - sàn không đồng nghĩa các hãng hàng không đồng loạt tăng giá. Ngược lại giúp các hãng có chính sách giá linh hoạt, tăng giá rẻ để kích cầu, khuyến khích khách hàng tham gia di chuyển bằng hàng không", ông Hạ nêu quan điểm.
Liên quan tới giá vé máy bay 0 đồng của các hãng hàng không, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực chất không có vé máy bay giá "0 đồng" vì Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho một vé máy bay phải gồm các khoản thuế, phí theo quy định.
"Mức giá 0 đồng" là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá "vé 0 đồng" như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Hiện, các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.
Mặt khác, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì cần căn cứ trên toàn bộ chi phí của từng chuyến bay và mức giá bình quân vé máy bay, không phải chỉ tính trên các mức giá vé đơn lẻ.
Để tránh lạm dụng, đảm bảo cạnh tranh giữa các hãng với loại vé này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị cần xem xét thay thế thuật ngữ "mức giá 0 đồng" bằng "giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại".
Dự kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối kỳ họp thứ 5.