Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2015, ngày 12/6, Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng thừa nhận những tồn tại trong điều hành ngân sách hiện nay như: chi thường xuyên cao, nợ công, bội chi "ngấp nghé" vượt trần... "Bội chi ngân sách đảm bảo trong số tuyệt đối, nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên xét về tương đối thì bội chi, nợ công tăng nhanh", ông diễn giải.
Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh này, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi; đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế. Thế nhưng, ông cũng nêu thực tế, dù ngành tài chính cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế cứ "phình" ra thì không ngân sách nào cơ cấu lại được.
“Bây giờ cắt gì thì cắt, nhưng biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được”, ông Dũng nói.
Thảo luận trước đó về "sức khoẻ" ngân sách Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại trước "những con số đẹp", cũng như tính chính xác của những số liệu bội chi, nợ công... mà báo cáo quyết toán đưa ra.
Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu Thanh Hoá lo lắng, việc chuyển nhiệm vụ chi từ năm trước sang năm sau cho thấy các cơ quan quản lý “cố gắng làm đẹp con số”. Ngoài ra, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển còn nhiều thất thoát lớn ở tất cả các khâu, nhưng báo cáo quyết toán của Chính phủ lại chưa đề cập nguyên nhân cụ thể.
“Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương. Nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch tỉnh nghiêm, chủ tịch tỉnh không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch huyện nghiêm, trên dưới không nghiêm thì liệu quốc gia có ổn định, xã tắc có bình yên”, ông đề nghị.
Đồng tình, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, Chính phủ siết chặt kỷ cương ngân sách; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với những sai phạm.
Theo tờ trình quyết toán ngân sách năm 2015 của Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước là 6,28% GDP thực tế (không gồm kết dư ngân sách địa phương gần 52.300 tỷ đồng).
Như vậy, số thâm hụt ngân sách này là 263.135 tỷ đồng, vượt 7.135 tỷ đồng so với mức Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng (5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,1% GDP thực tế).
Lý do “vượt rào” theo Chính phủ, do thực hiện hoàn thuế VAT theo quy định cao hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu là 7.452 tỷ đồng, đã đẩy bội chi tăng tương ứng.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước 195.900 tỷ đồng và vay nước ngoài 67.235 tỷ. Trên cơ sở mức bội chi này, dư nợ Chính phủ bằng 50% GDP, nợ công 61,8% GDP.
Nhìn lại quá trình điều hành của Chính phủ dựa vào tỷ lệ GDP, đại biểu Hoàng Quang Hàm nghi ngại, rất khó kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn. "Cách điều hành này sẽ chỉ khống chế được một cách tương đối tổng số bội chi, tổng số vay. Khi GDP không đạt thì tỷ lệ nợ công, bội chi trên GDP sẽ tăng, vượt trần", ông nhận xét.
Chung lo lắng, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ, kỷ cương ngân sách không được siết lại thì nguy cơ nợ công vượt trần là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông, việc Chính phủ liên tục xin trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết nới trần bội chi ngân sách năm 2015, từ 5% GDP vào cuối năm 2014, lên 5,71% vào tháng 11/2016 và “chốt” ở con số 6,28%... cho thấy điều hành ngân sách chưa nghiêm.
“Nợ công đã tới 63,7%, việc điều hành ngân sách chặt chẽ là hết sức quan trọng. Nếu cách điều hành ngân sách không có sự chuyển biến thì nguy cơ này là hiện hữu”, ông nói.
Anh Minh