"Phái đoàn quân sự Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu dẫn đầu sẽ có chuyến thăm chúc mừng Triều Tiên", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin.
Theo kế hoạch, phái đoàn Nga sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm ký hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng gọi đây là ngày "chiến thắng trong Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc vĩ đại".
Bộ Quốc phòng Nga cho biết phái đoàn sẽ thăm Triều Tiên từ 25/7 đến 27/7 và Triều Tiên đã cho phép ngoại lệ đối với quy tắc kiểm dịch Covid-19. Moskva khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ quân sự Nga - Triều và là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển hợp tác giữa hai nước.
Trung Quốc trước đó thông báo phái đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Lý Hồng Trung dẫn đầu sẽ thăm Triều Tiên từ ngày 26/7 để tham dự sự kiện này.
Đây lần đầu tiên Bình Nhưỡng mời các phái đoàn nước ngoài đến thăm từ khi đóng cửa biên giới để ngăn đại dịch Covid-19 hồi năm 2020.
Triều Tiên dự kiến tổ chức các lễ kỷ niệm quy mô lớn, trong đó có duyệt binh. Hình ảnh vệ tinh cho thấy binh sĩ và dân thường đã tập luyện cho sự kiện này trong vài tháng qua.
Cuộc chiến kéo dài ba năm 1950 - 1953 giữa Hàn Quốc, lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu với quân đội Triều Tiên cùng chí nguyện quân Trung Quốc đã chấm dứt bằng hiệp định đình chiến ngày 27/7/1953, thay vì hiệp ước hòa bình. Cuộc chiến khiến hàng triệu người thiệt mạng và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Về mặt lý thuyết, Bình Nhưỡng và Seoul vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Triều Tiên đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga, công khai ủng hộ Moskva trong các tuyên bố cũng như tại Liên Hợp Quốc. Theo Bình Nhưỡng, "chính sách bá quyền và độc đoán" của Mỹ, phương Tây là nguyên nhân dẫn đến chiến sự.
Trong thông điệp chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân Ngày Chiến thắng 9/5, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ tin tưởng Nga sẽ xóa bỏ mọi mối đe dọa từ "thế lực thù địch, đập tan mọi thách thức và giành thắng lợi trên con đường bảo đảm chủ quyền, tự tôn của đất nước và sự ổn định của khu vực".
Huyền Lê (Theo NK News, Reuters, AFP)