Tướng Pat Ryder, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 2/6 mô tả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc "trao đổi ngắn ở đêm tiệc khai mạc Đối thoại Shangri-La". Ông lưu ý rằng nội dung cuộc đối thoại "không có nội dung đáng kể".
Ryder khẳng định Lầu Năm Góc vẫn mong duy trì liên lạc với phía Trung Quốc. "Mỹ sẽ tiếp tục tìm kênh thảo luận thực chất giữa quân đội hai nước ở nhiều cấp độ nhằm đảm bảo kiểm soát một cách có trách nhiệm mối quan hệ song phương", người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.
Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận về tương tác giữa hai bộ trưởng.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ trả lời AFP rằng tương tác giữa hai bộ trưởng là tín hiệu tích cực. "Dù vậy, cái bắt tay ở một buổi tiệc không thể thay thế một cuộc gặp đúng nghĩa và trao đổi thực chất", người này nói.
Quan chức Mỹ kỳ vọng lần gặp tiếp theo giữa hai bộ trưởng sẽ diễn ra trong "bối cảnh nghiêm túc và đối thoại thực chất. Ông tiết lộ Bộ trưởng Lloyd Austin "sẽ chia sẻ nhiều hơn vì sao các bên cần đối thoại" trong bài diễn văn ở Singapore, dự kiến được trình bày trong ngày 3/6.
Ông Lý Thượng Phúc, 65 tuổi, được quốc hội Trung Quốc bầu làm Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 3. Ông từng bị chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt hồi năm 2018 vì cáo buộc mua vũ khí Nga.
Lầu Năm Góc cuối tháng 5 thông báo Bắc Kinh từ chối lời mời tiến hành cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Singapore, bên lề Đối thoại Shangri-La 2023. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/5 cho biết ông Lý chưa thể nhận lời gặp người đồng cấp Mỹ do Washington chưa giải quyết những lo ngại của Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ - Trung xấu đi nghiêm trọng sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022. Hai nước từng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Indonesia vào tháng 11/2022, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, sự kiện Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2, do đánh giá đây là thiết bị do thám quân sự, đã khiến đối thoại cấp cao giữa hai nước đóng băng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã "áp sát nguy hiểm" máy bay trinh sát Mỹ RC-135 khi nó hoạt động trên không phận quốc tế ở Biển Đông ngày 26/5, gọi đây là hành động "gây hấn không cần thiết". Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ trích Washington mới là bên "hành động khiêu khích" ở khu vực.
Bộ trưởng Austin hôm 1/6 cho rằng việc Trung Quốc từ chối lời mời gặp là "điều đáng tiếc", đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra sự kiện nêu trên. Ông bày tỏ lo ngại "một lúc nào đó sự cố sẽ xuất hiện và có thể vượt tầm kiểm soát rất nhanh".
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters)