Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định, việc triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 là phương pháp tiên tiến, được áp dụng ở tất cả các nước có nền giáo dục phát triển. Phương pháp này giúp học sinh tiến bộ dần trong quá trình học, phát huy hết khả năng và đạt được mức độ cao nhất, đồng thời xác định được trình độ của học sinh khi hoàn thành lớp học, cấp học.
Theo ông Luận, việc đánh giá kết hợp nhận xét trong quá trình học, kết quả kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học đã theo sát được sự tiến bộ của học sinh. Phương pháp đánh giá mới không so sánh em này với em khác trong quá trình học tập, do đó tránh được sự tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn của học sinh; giúp các em tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.
"Phương pháp mới coi trọng đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực học sinh: không chỉ đánh giá về kiến thức mà đặc biệt coi trọng khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống; đánh giá năng lực tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; một số phẩm chất (chăm học, chăm làm); tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết...", Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng khẳng định, trước khi ban hành thông tư 30, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục và tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học từ năm học 2011-2012 ở 24 trường thuộc 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa); năm học 2012-2013 có 1.447 trường tham gia; năm học 2013-2014 ở 1.704 trường thuộc 63 tỉnh thành. Trên cơ sở kết quả thí điểm, từ năm học 2014-2015 Bộ mới cho triển khai đại trà theo Thông tư 30.
Sau một năm thực hiện, theo tổng hợp từ báo cáo của 63 Sở Giáo dục, việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực. Quan điểm đánh giá học sinh của giáo viên đã thay đổi, chuyển sang đánh giá toàn diện về cả năng lực và phẩm chất; chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét quá trình học tập của học sinh, giúp các em ngày càng tiến bộ…
Do không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện. Đa số cha mẹ đã hiểu, đồng tình việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Phương pháp đánh giá mới cũng giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; bước đầu khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực trạng học sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như giáo viên dạy lớp có sĩ số đông (ở thành phố và vùng thuận lợi), giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp sẽ vất vả trong việc đánh giá học sinh. Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Do vậy, nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn trước.
Để tiếp tục thực hiện Thông tư 30, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục thực hiện một số giải pháp để khắc phục các hạn chế. Trước hết, các cấp quản lý giáo dục tiếp tục giải thích đến giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, cách thức và sự phối hợp các thành phần tham gia đánh giá học sinh tiểu học; đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để giải đáp những vướng mắc; tổ chức rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý.
Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách… cho giáo viên, tạo điều kiện để thầy cô dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn. Bộ cũng sẽ điều chỉnh để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật như về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, đảm bảo thống nhất với thông tư 30.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ tiếp tục lắng nghe để đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung các giải pháp cần thiết để tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương đổi mới đánh giá thi cử ở bậc tiểu học trong thời gian tới", ông Luận nói.
Hoàng Thùy