-
8h00
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu mở đầu phiên chất vấn
Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tăng nửa ngày so với những kỳ họp trước đây. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong rằng, phần trả lời của các thành viên Chính phủ sẽ thẳng thắn, không né tránh, xác định rõ trách nhiệm và từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời cho thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ để Quốc hội theo dõi việc thực hiện các lời hứa của thành viên Chính phủ.
Sau phiên chất vấn, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết ghi nhận những vấn đề các thành viên Chính phủ đã hứa, đưa ra giải pháp..., tạo điều kiện cho các cơ quan, đại biểu, đoàn đại biểu từ các địa phương theo dõi, giám sát.
Tính đến hết ngày 12/6, Quốc hội đã nhận được 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi trực tiếp gửi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao… 145 vấn đề chất vấn từ các đoàn đại biểu. Cơ quan này cũng đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội đưa ra ý kiến thảo luận.
-
8h10
Kiến nghị của cử tri được trả lời nhiều nhưng ít được giải quyết thấu đáo
Trình bày báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện - Nguyễn Thanh Hải cho biết sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã nhận được 3.320 kiến nghị từ cử tri, cao hơn nhiều so với các kỳ họp trước. Trong số này, gần 3.120 kiến nghị gửi tới Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ.
Ngay trong 6 tháng giữa 2 kỳ họp, toàn bộ kiến nghị của cử tri đã được giải quyết. Trong đó, 2.124 kiến nghị (chiếm 68,1%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin về các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, giao thông, quản lý trật tự đô thị… Có 539 kiến nghị (chiếm 17,3%) đã được giải quyết xong.
Hiện còn 456 kiến nghị (chiếm 14,6%) đang được xem xét, giải quyết thuộc thẩm quyền của các Bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (22 kiến nghị); Lao động, Thương binh & Xã hội (46); Y tế (43); Giáo dục & Đào tạo (22); Văn hóa, Thể thao & Du lịch (32); Tài nguyên & Môi trường (42)...
Đánh giá về những tồn tại trong trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, các Bộ đều đã trả lời cử tri "sẽ nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới”, song đều chưa có lộ trình giải quyết cụ thể.
Vì thế, dù số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu.
Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, dù các bộ, ngành đã tích cực, cố gắng giải quyết những kiến nghị tồn đọng nhưng đến nay vẫn còn 126 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm... Bộ có lượng kiến nghị tồn đọng nhiều nhất chưa được giải quyêt là Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch với 28 kiến nghị; Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn là 19 kiến nghị...
Để việc giải quyết kiến nghị cử tri nhânh hơn, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.
Bà cũng đề nghị các Bộ khi trả lời các kiến nghị cần kèm theo lộ trình, giải pháp và dự kiến thời điểm sẽ giải quyết xong để cử tri có căn cứ giám sát và không tiếp tục kiến nghị.
Riêng với 59 kiến nghị tồn đọng không có khả năng giải quyết dứt điểm trong 1 năm tới, như giải pháp ngăn chặn cát tặc, thương hiệu nông sản sạch... kiến nghị Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).
-
8h35
Hàng loạt đại biểu chất vấn về 'khủng hoảng lợn'
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015, trong khi đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi gặp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nhìn nhận trước tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi gặp khó khi cung vượt cầu, người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí, Bộ đã có các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn. Vậy đâu ra giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề này. Làm thế nào để điệp khúc "được mùa mất giá và được giá mất mùa" sẽ được giải quyết triệt để.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Bộ trưởng đưa ra 8 giải pháp nhưng trong đó đến 3 giải pháp là tiếp, 2 giải pháp là tăng cường, còn lại là nghiên cứu và rà soát. Từ những câu chữ này không thể khẳng định đây sẽ là giải pháp đột phá. Vậy đâu mới là yếu tố quan trọng để giải quyết bài toán khó của ngành chăn nuôi?
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng năng suất giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trong nhiệm kỳ của Bộ trường và công tác tạm nhập, tái xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu.
Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại diện đoàn đại biểu Bình Phước đặt câu hỏi về vấn đề triển khai gói tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực này rất khó khăn, khi việc tiếp cận đặt ra nhiều yêu cầu như doanh nghiệp phải hoạt động 3 năm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc giải quyết cơ chế xin cho đối với doanh nghiệp hoạt động công nghiệp cao sẽ được giải quyết như thế nào để nguồn vốn ưu đãi được tận dụng một cách hiệu quả.
-
8h45
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời trước về vốn cho nông nghiệp
Bộ trưởng cho biết, mục tiêu nòng cốt của ngành trong giai đoạn này là đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Gói 100.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng là để hỗ trợ ngành. Hiện đã giải ngân được trên 30.000 tỷ cho doanh nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều ngân hàng không chỉ coi đây là mục tiêu "giải cứu" mà còn là thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, hiện đúng là có khó khăn là một số tài sản trên phần đất khi hình thành tài sản thế chấp còn vướng mắc. Ví dụ nhà kính, nhà lưới, cả tỷ đồng tại sao lại không được hoàn thiện thủ tục pháp lý để trở thành tài sản thế chấp. Các Bộ cũng đang được sự chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này.
-
8h50
Khủng hoảng thừa lợn do chăn nuôi tăng quá nhanh
Về vấn đề tiêu thụ nông sản được rất nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề tồn tại từ khá lâu, trong đó khâu thị trường và chế biến là rất yếu. Tuy nhiên, đang từ bán ở chợ nhà để mang ra thế giới với các yêu cầu khắt khe là phải tổ chức lại, đòi hỏi vấn đề tổ chức, đầu tư.... nên sẽ không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi khác thừa cái kia... Đó là một chặng đường gian khổ nhưng chúng ta phải làm.
Về khủng hoảng thừa thịt lợn trong giai đoạn vừa qua như nhiều đại biểu đặt câu hỏi, ông Cường cho biết, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Và hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vài năm qua. Riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng...
Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, riêng về thịt lợn thì rổ thực phẩm Việt Nam cơ cấu đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế. Theo ông, trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung.
-
8h55
Chăn nuôi yếu do 3 khâu thì mới làm tốt được 2 khâu
Nguyên nhân thứ 2 theo Bộ trưởng là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm. Trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ
Thứ ba, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được.
Trong 3 khâu của ngành chăn nuôi lợn thì mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu. Trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nên tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng là khủng hoảng thừa.
-
9h00
Bộ trưởng Nông nghiệp: Thị trường quyết định sản xuất nông sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tạm nhập tái xuất thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, "phát triển thị trường là nội dung mệnh lệnh, không có thị trường không có sản xuất". Theo ông, thị trường phải sản xuất ngay trong nội địa, bảo vệ thị trường nội địa, tuy nhiên cần đánh giá, rà soát lại để tận dụng được cơ hội phát triển, hợp tác với các nước để xuất khẩu mặt hàng nông sản.
"Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hai Bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng ngồi lại, đánh giá lại công tác quản lý thị trường, phát triển thị trường.
Song song đó, tới đây ngành này sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm.
Thứ nhất, trục sản phẩm quốc gia, phải rà soát lại xem đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế để loại bỏ và chỉ tập trung phát triển sản phẩm mang lại năng suất, giá trị cao.
Thứ hai, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như xoài cát Hoà Lộc...
Thứ ba, phát triển nông sản đặc thù từng địa phương.
Từ những trục sản phẩm này, các ngành hàng sẽ tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại… Còn trách nhiệm cơ quan nào sẽ rõ cụ thể. "Quan trọng nhất tổ chức thực hiện phải chung nhiệm vụ thì sẽ khai thác được lợi thế của sản xuất nông nghiệp", ông Cường nói.
Về chất lượng giống của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng làm khá tốt bởi trong một thời gian ngắn chuyển từ đói sang thừa thực phẩm. Tuy nhiên, có giống ngành cây trồng ăn quả và giống rau cũng đang yếu nhưng không thể không làm được.
Một chùm giống nữa là toàn bộ giống bản địa của Việt Nam, giống cây, giống chăn nuôi riêng. Cái này phải chú ý hơn, tạo ra đặc sản riêng theo quy trình truyền thống, phục vụ cho nông nghiệp.
-
9h10
Đại biểu chất vấn về nông nghiệp hữu cơ
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm với đất nông nghiệp khi tình trạng sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ đang diễn ra. Bộ đã có giải pháp đột phá nào để giải quyết vấn đề trên và Việt Nam liệu có đủ năng lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm đất nông nghiệp?
Đại biểu cũng cho biết, hiện nay Việt Nam có 24.000 tiến sĩ với 21.000 luận văn, vậy trong số đó có những đề tài nào được tập trung vào nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp có ý định sử dụng những luận văn này để giải quyết các vấn đề hiện tại của ngành hay không.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt ra vấn đề về cơ cấu ngành sau 4 năm thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ, đặc biệt với vùng miền núi và người dân tộc thiểu số. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để.
Với vấn đề xây dựng nông thôn mới, đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cho rằng kết quả xây dựng nông thông mới chưa thực sự nâng cao chất lượng sống của người dân, vấn đề sản xuất nông nghiệp trong nông thôn mới chưa được chú trọng. Do đó, đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng về giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân gắn với nông nghiệp nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhận được ý kiến về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và xây dựng các giải pháp cụ thể để phối hợp với các bộ ngành có liên quan để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
-
9h15
'Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc'
Trả lời đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về việc làm thế nào có sản phẩm nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp. Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.
"Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc: từ đất và nước", ông Cường quả quyết, đồng thời chia sẻ trước thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô hiện đang bị ô nhiễm. Ông cho rằng, việc này cần sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên & môi trường, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.
Trả lời đại biểu Xuân (Thanh Hoá), ông Cường nhìn nhận: Chủ trương chính sách vừa qua có sự quan tâm tới đồng bào khó khăn vùng Tây Bắc. Chúng ta đang tập trung chương trình trồng rừng, xoá đói giảm nghèo để khai thác lợi thế vùng này. Dẫn chứng hội nghị phát triển dược liệu mà Thủ tướng chủ trì mới đây, ông Cường cho biết, không có vùng nào không có lợi thế, nếu biết khai thác. Tất nhiên phải làm bài bản, quyết tâm, không thể nhanh được.
-
9h18
Đại biểu không đồng tình với trả lời về quy hoạch
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng các căn cứ Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) về quy hoạch, giải cứu đàn lợn chưa thuyết phục. Theo đại biểu, vấn đề quy hoạch đã vắng bóng vai trò, chưa thấy được vai trò của quản lý Nhà nước. “Quy hoạch lập phù hợp vào giai đoạn đó nhưng đến nay chưa phù hợp, vậy vai trò xem xét, điều chỉnh như thế nào”, đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu đoàn Bình Dương cũng cho rằng câu chuyện giải cứu nếu không thực hiện triệt để sẽ còn tái diễn với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác, đặc biệt là cây ăn trái. “Ở địa phương tôi người dân phá cây cao su đi trồng các cây ăn trái rất nhiều, vậy vấn đề quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch như thế nào để không tái diễn những câu chuyện giải cứu”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng công tác quy hoạch bổ sung và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa thực sự đồng bộ và còn lúng túng.