Thông tin được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu trong buổi làm việc với UBND TP HCM về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, ngày 23/6.
TP Thủ Đức được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết sau một năm rưỡi thành lập, mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên cả nước gặp nhiều khó khăn. Hiện bộ máy hành chính của địa phương chỉ tương đương cấp huyện, dù khối lượng công việc rất lớn sau khi nhập quận. 6 tháng đầu năm nay, Thủ Đức tiếp nhận 17.100 hồ sơ thủ tục hành chính; 44.000 hồ sơ nhà đất, khả năng cuối năm hơn 100.000 hồ sơ.
Theo ông Tùng, dù dân số 1,2 triệu người, công việc ngày càng nhiều lên, song số biên chế sau thành lập của TP Thủ Đức phải giảm 30% so với ba quận trước kia là "chắc chắn không làm được". Từ thực tế đó, lãnh đạo TP Thủ Đức đề nghị Bộ Nội vụ cho địa phương giữ nguyên số biên chế như trước khi sáp nhập và được ký hợp đồng công chức để giảm sức ép cho phường đông dân.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong các chính sách TP HCM đề xuất cho Thủ Đức, vấn đề biên chế rất khó phân cấp hoàn toàn vì việc này Trung ương quản lý. Do vậy Bộ Nội vụ định hướng đề xuất Chính phủ giao khung biên chế chung cho TP HCM. Trên số lượng được giao, thành phố tổ chức bộ máy cho từng địa phương, trong đó có Thủ Đức.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho rằng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 "không thể đủ hết" cho TP Thủ Đức và việc nêu đề xuất quá cụ thể khó thuyết phục Quốc hội. Thay vào đó, bà đề nghị trong nghị quyết mới có quy định về nguyên tắc giao TP HCM phân cấp, uỷ quyền cho TP Thủ Đức sẽ hiệu quả hơn.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói trong nghị quyết mới đang xây dựng nhằm thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, thành phố dành một chương riêng về chính sách cho TP Thủ Đức, tập trung vào các kiến nghị: tổ chức, bộ máy phù hợp; phân cấp, ủy quyền mạnh hơn; có một số chức năng, nhiệm vụ của sở ngành để hoạt động "đúng nghĩa như thành phố".
Thu Hằng