-
16h55
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn
Phát biểu kết luận chiều 10/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá phiên chất vấn rất thiết thực, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao ở cả người hỏi và người trả lời. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu đánh giá cao phần trả lời, cam kết và các giải pháp của lãnh đạo các bộ cũng như người cùng tham gia trả lời chất vấn.
-
16h30
Phó thủ tướng: Đang có tình trạng bê tông hóa di tích
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói văn hóa là nền tảng tinh thần; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng qua ý kiến chất vấn của đại biểu cho thấy du lịch còn nhiều việc cần làm tốt hơn. Du lịch bản chất là ngành kinh tế, Bộ Chính trị đã có nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chính phủ đã có chương trình hành động. Vì vậy, các cơ quan cần có giải pháp mạnh mẽ, đột phá.
"Giải pháp đầy đủ hết rồi nhưng tôi theo dõi lĩnh vực này nhiều năm, phải nói là thực hiện chậm. Chúng ta chưa quán triệt tinh thần du lịch phải thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, để phát triển du lịch, trước tiên cần quảng bá để thu hút du khách, sau đó là miễn visa cho nhiều nước, làm visa điện tử. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều đơn vị, nhất là ngành ngoại giao. Vì vậy, cần cải thiện môi trường du lịch, không chỉ là ô nhiễm môi trường mà làm sao để khách không e ngại, ảnh hưởng cảm xúc.
Ông Đam cũng thừa nhận thực trạng đang xảy ra là bê tông hóa di tích. Để trùng tu các di tích có giá trị đòi hỏi nhiều nguồn lực, thủ tục phức tạp, nhưng nếu chỉ cần buông lỏng thì nhiều di tích bị tu bổ sẽ làm to hơn, không còn như trước. Ngược lại, nếu quy trình, thủ tục, kinh phí thoáng hơn thì nhiều di tích xuống cấp sẽ được trùng tu sớm, nên phải cân bằng hai yếu tố.
Về vấn đề văn hóa trên môi trường mạng, Phó thủ tướng nói "đời thực có gì thì trên mạng có cái đó". Nhưng tốc độ lan truyền thông tin trên mạng rất nhanh, rộng, nhất là với thông tin xấu. "Đám cãi nhau ở chợ chỉ vài trăm người nghe thấy, nhưng lên mạng thì hàng triệu người biết", ông dẫn chứng và cho biết theo thống kê, tốc độ lan truyền thông tin xấu nhanh gấp 6-7 lần tin tốt.
Do đó, ông đề nghị tiếp tục xử lý các đối tượng lợi dụng mạng xã hội xâm phạm quyền, lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Người bị xâm phạm trên mạng xã hội cần lên tiếng để cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.
-
16h15
Xây dựng hệ giá trị và nguyên tắc ứng xử trong trường học
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Khánh Thu về nội dung liên quan đến văn hóa học đường, ứng xử trường học và giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định vấn đề đại biểu nêu "rất lớn và quan trọng đối với trường học".
Hiện nay, ngành giáo dục lấy việc dạy người làm trọng tâm ưu tiên, trong đó văn hóa học đường là nội dung đặc biệt quan trọng. Ngành đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách, mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa, phát triển con người.
Theo ông, văn hóa trong trường học có hai phương diện rất quan trọng là tạo dựng ra các giá trị văn hóa và hoàn thiện nguyên tắc ứng xử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ và ngày 1/6 vừa qua Thủ tướng ký chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới bằng nhiều chính sách. Ông hy vọng khi triển khai chỉ thị, văn hóa học đường sẽ chuyển biến tốt hơn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giải thích, tạo dựng hệ giá trị bao gồm cả thực hiện thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục mới, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh... Còn bộ quy tắc ứng xử trong trường học hiện đã có, nhưng cần rà soát cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Ngành giáo dục đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo, vì học sinh luôn làm theo tấm gương của những người thầy; đồng thời giáo dục kỹ năng, ứng xử cho học sinh; phát triển thư viện trường học; phát triển văn hóa đọc... Từ đó, ngành sẽ từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, để đào tạo một thế hệ người Việt với những giá trị như lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực...
"Chúng tôi đặt mục tiêu giải quyết được vấn đề hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử. Nội dung mà đại biểu đề cập cũng như sự quan tâm của toàn xã hội sẽ được giải quyết ở tầng căn bản và lâu dài", ông Sơn nhấn mạnh.
-
16h05
Bộ trưởng Hùng lên án trò chơi team building phản cảm
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu quan điểm về việc gần đây xuất hiện những trò chơi gợi dục trong team building?
Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định "đây là vấn đề đáng lên án". Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức trò chơi này. Đây là những trò chơi ở nước ngoài được du nhập vào Việt Nam nhưng không qua chọn lọc.
"Chúng tôi khuyến nghị thành viên tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy không tốt", ông Hùng nói, cho biết sẽ kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý.
-
16h00
'Đạo đức con người, gia đình, nghề nghiệp, công vụ... đều xuống cấp'
Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu, quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường, nhưng quan hệ xã hội nhiều nơi, nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, khiến cử tri và nhân dân lo lắng.
"Nhiều cử tri cho rằng do đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức gia đình đều xuống cấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào? Xu hướng thời gian tới ra sao?", ông Hoàng Anh chất vấn.
Ông dẫn chứng nhiều vụ vừa qua chủ thể đều khẳng định làm đúng quy trình. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT, báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền đều trả lời giám thị làm đúng quy định, "nhưng để học sinh giỏi ngủ quên trong giờ thi, trượt tốt nghiệp thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật để mọi người tuân thủ.
Bộ trưởng Hùng thừa nhận "văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp". "Chúng ta cũng nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét, phối hợp giữa các bộ ngành. Xây dựng văn hóa là vấn đề lâu dài. Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực", ông Hùng nói, cho rằng khi hình thành được môi trường gia đình, nhà trường, xã hội tốt thì sẽ có được môi trường văn hóa, hạn chế sự xuống cấp.
-
15h50
'Đâu là ranh giới thời trang và thuần phong mỹ tục khi nghệ sĩ mặc hở hang?'
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đến cộng đồng ngày càng lớn. Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, nhất là phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.
"Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay? Tại sao đều là trang phục theo phong cách hở hang, nhưng người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như nghệ sĩ lại được cho là đẹp, còn với người bình thường bị cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục", bà Trân đặt câu hỏi.
Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn người bình thường, nhất là những tác động đến xu hướng hình thành tính cách của giới trẻ. "Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc hiện nay?", bà Trân đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận vừa qua giới nghệ sĩ có rất nhiều vấn đề phiền toái, ứng xử không đẹp, phản văn hóa. Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp, nêu khát vọng cống hiến, lấy giá trị thước đo là chân thiện mỹ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Dù đây không phải là chế tài nhưng văn nghệ sĩ "rất phấn khởi, coi đây là hướng vận động về phạm trù đạo đức, để mọi người tự giác".
"Một số nội dung phản cảm thì chúng ta đã nhắc nhở. Chúng ta không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo, như vậy cũng không đúng vì cái này tùy theo gu thẩm mỹ", ông Hùng nói.
-
15h30
'Khách rất phàn nàn về doanh nghiệp du lịch chỉ biết thu tiền'
Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận khi Bộ trưởng Hùng chưa nói về vấn đề nhiều người quan tâm là hạ tầng du lịch, môi trường thiên nhiên, tự nhiên bị xâm phạm. Doanh nghiệp tranh nhau thu hút khách, nhưng ít quan tâm đến di tích, môi trường.
"Khách trong và ngoài nước rất phàn nàn vấn đề doanh nghiệp chỉ biết thu tiền, còn di tích xuống cấp không trùng tu, thiên nhiên bị tàn phá, thậm chí xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà ở trong khu bảo tồn", ông Hòa nói và đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này.
Ông Hòa cũng nói môi trường văn hóa gia đình là vấn đề rất hệ trọng hiện nay. Văn hóa bị xâm hại không chỉ trong nhà trường, gia đình, mà thuần phong mỹ tục giữa con người với nhau cũng khác. Thậm chí giữa các văn nghệ sĩ cũng bị người dân phàn nàn. "Trách nhiệm của tư lệnh ngành như thế nào về môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, truyền thống mai một", ông Hòa chất vấn.
-
15h25
Cần giữ được nếp nhà thời hiện đại
Trả lời câu hỏi thứ hai của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về việc "Bộ chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực gia đình", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh: "Nói thật là không phải không quan tâm. Bộ có Vụ Gia đình, tham mưu về các vấn đề liên quan đến văn hóa gia đình".
Gia đình chịu nhiều yếu tố tác động và nhiều cơ quan, nhiều bộ luật khác nhau chi phối, chứ không chỉ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. "Không phải nói đến gia đình là chỉ nói đến văn hóa. Tôi nói như vậy không phải là đẩy trách nhiệm cho các bộ ngành khác, nhưng vì tính giao thoa nên chúng tôi có trách nhiệm đề xuất xây dựng gia đình văn hóa", ông Hùng nói.
Bộ đang triển khai chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. "Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là nếp nhà, biết ơn người sinh thành, trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc. Vì lĩnh vực rộng chứ không phải chúng tôi không quan tâm", ông Hùng nhắc lại.
-
15h20
'Xây nhiều khu nghỉ dưỡng, giải trí sẽ tạo đồng phục du lịch'
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói gần đây nền kinh tế ngày càng phát triển, các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. "Nếu cứ phát triển như vậy sẽ thành đồng phục trong ngành du lịch ở khắp các tỉnh thành, chủ yếu thiên về giải trí và nghỉ dưỡng", bà Thái nói, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền và du lịch xanh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 nêu 9 nhóm giải pháp. Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền.
"Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại các sản phẩm của chúng ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... Gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác", ông Hùng nói và đề nghị làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không chỉ khách đến một lần cho biết. Các địa phương là điểm sáng trong thực hiện việc này như Huế, Hội An.
-
15h15
Bạo lực học đường rất 'bức bối, khổ tâm'
Đại biểu Trần Khánh Thu đề cập đến vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử xuống cấp trong nhà trường, bệnh viện. Việc này dẫn đến gian lận học tập, thi cử, làm xấu đi hình ảnh nghề giáo và bác sĩ. Bà Thu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để giải quyết.
Ông Hùng thừa nhận đây là những vấn đề "rất bức bối, khổ tâm". Ông có nhiều suy nghĩ nhưng để làm được gì thì phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, năng lực. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí này.
Trách nhiệm của người thầy, của học sinh là tự giác, khuôn mẫu nên phải khuyến khích các em tự xây dựng đạo đức lối sống. Cùng với đó, cần phát hiện nhân tố tích cực để lan tỏa hình ảnh đẹp, tấm gương sáng; chú trọng giáo dục học sinh trong mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, vì một bên không có cũng không thể có một thế hệ toàn diện.