Chiều 10/8, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, nhiều đại biểu nêu thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp. Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu, quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện, nhưng quan hệ xã hội ngày càng nóng, khiến cử tri lo lắng.
"Nhiều cử tri cho rằng do đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức gia đình đều xuống cấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc này đang ở phạm vi và mức độ nào? Xu hướng thời gian tới ra sao?", ông Hoàng Anh chất vấn.
Đại biểu Hoàng Anh nói, nhiều vụ xảy ra vừa qua, chủ thể đều khẳng định làm đúng quy trình. Như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền đều trả lời giám thị làm đúng quy định, nhưng để học sinh giỏi ngủ quên trong giờ thi, trượt tốt nghiệp thì Bộ trưởng nghĩ thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được củng cố như pháp luật để mọi người tuân thủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp. "Chúng ta cũng nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét, phối hợp giữa các bộ ngành. Xây dựng văn hóa là vấn đề lâu dài", ông nói và cho rằng khi hình thành được môi trường gia đình, nhà trường, xã hội tốt thì sẽ hình thành được môi trường văn hóa, hạn chế sự xuống cấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng đáng quan tâm nhất hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết. "Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được. Nhưng với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm đến đâu và kiến nghị gì để giải quyết?", bà Thúy nói.
"Quả thực văn hóa rất rộng và liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành", Bộ trưởng Hùng trả lời. Trong đó, Bộ Văn hóa thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua, Bộ chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật. Bộ chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định. "Giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp bằng các chương trình liên kết để chủ động thực hiện", ông Hùng nói.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn hóa học đường; với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân. "Chúng tôi muốn tạo ra sức mạnh, đề cao vấn đề các ngành, các cấp cùng chúng tôi xây dựng môi trường văn hóa", ông nói và cho biết năm 2022 phải chọn cơ sở thôn, bản, ấp làm nơi nuôi dưỡng, hình thành nếp sống văn hóa.
'Đâu là ranh giới thời trang và thuần phong mỹ tục khi nghệ sĩ mặc hở hang?'
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đến cộng đồng ngày càng lớn. Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, nhất là phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.
"Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay? Tại sao đều là trang phục theo phong cách hở hang, nhưng người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như nghệ sĩ lại được cho là đẹp, còn với người bình thường bị cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục", bà Trân đặt câu hỏi.
Theo nữ đại biểu, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn người bình thường, nhất là những tác động đến xu hướng hình thành tính cách của giới trẻ. "Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc hiện nay?", bà Trân đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận vừa qua giới nghệ sĩ có rất nhiều vấn đề phiền toái, ứng xử không đẹp, phản văn hóa. Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp, nêu khát vọng cống hiến, lấy giá trị thước đo là chân thiện mỹ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Đây không phải là chế tài nhưng văn nghệ sĩ "rất phấn khởi, coi đây là hướng vận động về phạm trù đạo đức, để mọi người tự giác".
"Một số nội dung phản cảm chúng ta đã nhắc nhở. Chúng ta không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo, như vậy cũng không đúng vì cái này tùy theo gu thẩm mỹ", ông Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu vấn đề gần đây xuất hiện những trò chơi gợi dục trong team building. Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định "đây là vấn đề đáng lên án", nhiều trò chơi ở nước ngoài được du nhập vào Việt Nam mà không qua chọn lọc. Bộ Văn hóa không chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức trò chơi này.
"Chúng tôi khuyến nghị thành viên tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy không tốt", ông Hùng nói, cho biết sẽ kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý.
Thu hút khách quốc tế gặp khó khăn
Vấn đề khôi phục thị trường du lịch cũng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn và tranh luận từ đại biểu. Ông Nguyễn Hải Anh phản ánh gần đây du lịch nội địa có dấu hiệu phục hồi khả quan, nhưng chỉ là nội địa. "Bộ có giải pháp nào để phục hồi thị trường du lịch quốc tế?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Hùng nói trong đại dịch Covid-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì "hầu như phải đóng băng mọi hoạt động". Chỉ từ giữa tháng 3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu. "Khách quốc tế năm nay đạt gần một triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường đã ấm lên", ông Hùng nói.
Trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP HCM. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.
Để thu hút du khách quốc tế, doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam. "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành. Chúng tôi hy vọng với giải pháp nêu trên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", ông nói.
Đến nay, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng cũng hơn một số nước Philippines, Campuchia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia. Điều đó cho thấy Việt Nam nên bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống. 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid-19 của các nước này.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong cho rằng lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam là chỉ số quan trọng nên đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để số khách này đến bền vững và sẽ quay lại?
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch nói trước đại dịch Covid-19, do Việt Nam chưa có điều kiện đo đếm, tính toán, nên không thống kê xem có bao nhiêu khách trở lại. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. "Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10%", ông Hùng nói.
Khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không điều này không ảnh hưởng đến việc tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá. "Sẽ có người này người khác bù đắp lại. Nhưng chúng tôi mong muốn khách sẽ quay lại", Bộ trưởng nói.
'Doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng'
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói gần đây nền kinh tế ngày càng phát triển, các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. "Nếu cứ phát triển như vậy sẽ có đồng phục trong ngành du lịch ở khắp các tỉnh thành, chủ yếu thiên về giải trí và nghỉ dưỡng", bà Thái nói, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền và du lịch xanh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 nêu 9 nhóm giải pháp. Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền.
"Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại các sản phẩm của chúng ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... Gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác", ông Hùng nói và đề nghị làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không chỉ khách đến một lần cho biết. Các địa phương là điểm sáng trong thực hiện việc này là Huế, Hội An.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận Bộ trưởng Hùng chưa nói về vấn đề nhiều người quan tâm là hạ tầng du lịch, môi trường thiên nhiên, tự nhiên bị xâm phạm. Doanh nghiệp tranh nhau thu hút khách, nhưng ít quan tâm đến di tích, môi trường. "Khách trong và ngoài nước rất phàn nàn vấn đề doanh nghiệp chỉ biết thu tiền, còn di tích xuống cấp không trùng tu, thiên nhiên bị tàn phá, thậm chí xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà ở trong khu bảo tồn", ông Hòa nói.
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói văn hóa là nền tảng tinh thần; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng qua ý kiến chất vấn của đại biểu cho thấy du lịch còn nhiều việc cần làm tốt hơn. Du lịch bản chất là ngành kinh tế, Bộ Chính trị đã có nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chính phủ đã có chương trình hành động. Vì vậy, các cơ quan cần có giải pháp mạnh mẽ, đột phá.
"Giải pháp đầy đủ hết rồi nhưng tôi theo dõi lĩnh vực này nhiều năm, phải nói là thực hiện chậm. Chúng ta chưa quán triệt tinh thần du lịch phải thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Đam nói.
Để phát triển du lịch, ông Đam cho rằng trước tiên cần quảng bá để thu hút du khách, sau đó là miễn visa cho nhiều nước, làm visa điện tử. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều đơn vị, nhất là ngành ngoại giao. Vì vậy, cần cải thiện môi trường du lịch, không chỉ là ô nhiễm môi trường mà làm sao để khách không e ngại, ảnh hưởng cảm xúc.
Xây dựng hệ giá trị và nguyên tắc ứng xử trong trường học, tránh bạo lực học đường
Đại biểu Trần Khánh Thu đề cập vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử xuống cấp trong nhà trường, bệnh viện. Việc này dẫn đến gian lận thi cử, làm xấu đi hình ảnh nghề giáo và bác sĩ. Bà Thu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để giải quyết.
Ông Hùng thừa nhận đây là những vấn đề "rất bức bối, khổ tâm". Ông suy nghĩ nhiều nhưng để làm được gì thì phụ thuộc rất nhiều vào năng lực. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí này.
Trách nhiệm của người thầy, của học sinh là tự giác, khuôn mẫu nên phải khuyến khích các em tự xây dựng đạo đức lối sống. Cùng với đó, cần phát hiện nhân tố tích cực để lan tỏa hình ảnh đẹp, tấm gương sáng; chú trọng giáo dục học sinh trong mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, vì một bên không có cũng không thể có một thế hệ toàn diện.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định vấn đề đại biểu nêu "rất lớn và quan trọng" đối với trường học. Hiện ngành giáo dục lấy việc dạy người làm trọng tâm ưu tiên, trong đó văn hóa học đường là nội dung đặc biệt quan trọng. Ngành đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách, mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa, phát triển con người.
Theo ông, văn hóa trong trường học có hai phương diện rất quan trọng là tạo dựng các giá trị văn hóa và hoàn thiện nguyên tắc ứng xử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ và ngày 1/6 vừa qua Thủ tướng đã ký chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới bằng nhiều chính sách. Ông hy vọng khi triển khai chỉ thị, văn hóa học đường sẽ chuyển biến tốt hơn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giải thích, tạo dựng hệ giá trị bao gồm cả thực hiện thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục mới, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh... Còn bộ quy tắc ứng xử trong trường học hiện đã có, nhưng cần rà soát cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Ngành giáo dục đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo, vì học sinh luôn làm theo tấm gương của những người thầy; đồng thời giáo dục kỹ năng, ứng xử cho học sinh; phát triển thư viện trường học; phát triển văn hóa đọc... Từ đó, ngành sẽ từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, để đào tạo một thế hệ người Việt với những giá trị như lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực...
"Chúng tôi đặt mục tiêu giải quyết được vấn đề hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử. Nội dung mà đại biểu đề cập cũng như sự quan tâm của toàn xã hội sẽ được giải quyết ở tầng căn bản và lâu dài", ông Sơn nói.
Cần 5.000 tỷ đồng trùng tu di tích xuống cấp
Trả lời câu hỏi di tích lịch sử xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích và đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.
Ông Hùng cho biết ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ Văn hóa đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.
Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đông để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.420 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.
Về việc trùng tu di tích, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh là lập dự án, thẩm định, thiết kế, thi công, Bộ chỉ tham gia phần thẩm định chung và trình cấp có thẩm quyền để thẩm định dự án. Khi được giao, các cơ quan phải thực hiện đúng phương án đã được phê chuẩn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng.
Việc xã hội hóa cũng khó khăn do các doanh nghiệp chưa tha thiết đầu tư vào hoạt động trùng tu di tích vì không đem lại nhiều nguồn lợi. Ông Hùng đề nghị Đảng, Nhà nước dành nguồn lực đầu tư để đất nước có những di tích xứng tầm với lịch sử văn hóa.
Nói thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận thực trạng đang xảy ra là "bê tông hóa di tích". Để trùng tu các di tích có giá trị đòi hỏi nhiều nguồn lực, thủ tục phức tạp, nhưng nếu chỉ cần buông lỏng thì nhiều di tích bị tu bổ sẽ làm to hơn, không còn như trước. Ngược lại, nếu quy trình, thủ tục, kinh phí thoáng hơn thì nhiều di tích xuống cấp sẽ được trùng tu sớm, nên phải cân bằng hai yếu tố.
Xem diễn biến chính