Đăng đàn sáng 14/6, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận được nhiều chất vấn của đại biểu quanh hoạt động của Cục nghệ thuật biểu diễn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hơn 40 năm qua, việc cấp phép các bài hát thời Việt Nam Cộng hòa và hải ngoại theo cơ chế xin cho từng chương trình, từng băng đĩa, từng tác giả là cách làm cửa quyền gây chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và trên thực tế thì cũng không hiệu quả.
Theo ông, đã có nhiều kiến nghị nên lập danh sách các bài hát cấm, những bài nào ngoài danh sách thì tự do lưu hành, chỉ cần tôn trọng quyền tác giả và đóng thuế nếu kinh doanh; nếu cần cấm thêm thì bổ sung vào danh sách này.
“Nhiều nhạc sĩ, chuyên gia ủng hộ cách quản lý này vì phù hợp với Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, không cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, nghệ sĩ và hoạt động phổ biến, biểu diễn văn hóa và hoàn toàn khả thi”, ông Nghĩa nói và đặt câu hỏi "đâu là trở lực của cách làm mới này", "phải chăng năng lực hay đạo đức của một số cán bộ quản lý văn hóa là nguyên nhân chúng ta không áp dụng cách làm hợp lý hơn?".
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát các thủ tục hành chính liên quan việc cấp phép và rà soát theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
“Tinh thần của chúng tôi là giảm và hạn chế, chấm dứt việc xin cho để tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Bộ Văn hóa sẽ phải tìm một phương cách quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn và hội nhập quốc tế. Cụ thể như thế nào thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo với đại biểu”, Bộ trưởng Văn hoá nói.
Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Gia Linh |
Xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra sai sót
Cho rằng một số sự việc vừa qua xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tổng cục Du lịch đã gây hoang mang dư luận, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu câu hỏi, Bộ trưởng đã chỉ đạo xem xét, kết luận những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức thuộc các đơn vị nêu trên hay chưa.
"Khi Thủ tướng điện thoại cho Bộ trưởng yêu cầu cho thôi giữ chức đối với ông Cục trưởng nghệ thuật biểu diễn thì Bộ trưởng đã điều ông này về văn phòng Bộ. Việc này Bộ trưởng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay ông Cục trưởng có khuyết điểm, vi phạm cần phải xử lý", ông Diến nói.
Giải đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, với những sự việc mà đại biểu nêu thì Bộ đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xác định trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan. Ai chịu trách nhiệm đến mức nào? Trên cơ sở đó sẽ có việc xử lý phù hợp. "Tinh thần là hết sức cầu thị và rất nghiêm minh để công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này được tốt hơn", ông Thiện nhấn mạnh.
Có phải không quản được thì cấm?
Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu vấn đề, theo quy định hiện hành, nhiều hoạt động vui chơi giải trí phải dừng hoạt động sau 0h, cử tri và chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, nguyên nhân cấm hoạt động sau 0h không hẳn là do an ninh trật tự hay lo ngại ảnh hưởng, tác động đến thanh thiếu niên mà do không quản lý tốt nên cấm.
“Là tư lệnh ngành văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi các trung tâm lớn có nhiều du khách nước ngoài, nhưng không có các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Xin hỏi Bộ trưởng có tư duy, quan niệm khó quản lý thì cấm hay không?", ông Tuấn chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện "xin tiếp thu và trả lời đại biểu sau bằng văn bản". Chưa đồng tình với nội dung trả lời như vậy, ông Tuấn giơ biển xin trao đổi lại với Bộ trưởng Văn hoá. Ông nói: "Có một ý Bộ trưởng hoàn toàn có thể trả lời ngay, đó là Bộ trưởng có tư duy khó quản thì cấm hay không? Xin Bộ trưởng chỉ cần trả lời có hay không".
"Tôi thấy rằng không phải khó quản thì cấm mà phải cố gắng suy nghĩ cách quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế", Bộ trưởng Thiện trả lời.
Những vấn đề văn hoá "rất rộng, rất lớn, rất cấp bách"
Chất vấn về tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng Bộ trưởng Thiện cần quan tâm hơn đến môi trường biểu diễn nghệ thuật. Bà bày tỏ lo lắng trước việc các đơn vị tổ chức biểu diễn phản cảm trước trẻ em, như vừa rồi có video quay cảnh các cô gái nhảy sexy ở Đầm Sen.
Ngoài ra, theo bà, vừa qua có trường hợp xâm hại tình dục trẻ em ở nước ngoài, khi về Việt Nam vẫn hoạt động trong môi trường liên quan đến trẻ em, thậm chí hoạt động rất tự do và xin dạy học.
Đại biểu Hiền cũng đề cập đến các gameshow, biểu diễn nghệ thuật có trẻ em tham gia, tuy nhiên các chương trình này nặng về giải trí nặng hơn giáo dục, nhiều chương trình có hình thức biểu diễn khai thác các yếu tố riêng tư của trẻ để câu view.
Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Thiện nói vấn đề đại biểu nêu "rất rộng, rất lớn, rất cấp bách về đạo đức, văn hóa ứng xử", nhất là với các chương trình có em nhỏ tham gia.
"Chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu để có những quy định cụ thể, ví dụ với những chương trình biểu diễn thương mại hóa thì lứa tuổi của các em như vậy đã phù hợp chưa. Chúng tôi xin tiếp thu những ý kiến này", ông Thiện nói
Lo lắng trách nhiệm Bộ trưởng cũ để lại
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan về việc, ở nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Văn hoá Hoàng Tuấn Anh "xin truyền đạt lại trách nhiệm cho bộ trưởng kế tiếp”, nhất là về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện nói “ sau khi được Quốc hội phê chuẩn thì tôi rất lo lắng và luôn suy nghĩ sẽ phải thực hiện và trả lời câu hỏi đó như thế nào”.
Theo ông, năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khoảng 10 triệu và Thái Lan là 32 triệu, Malaysia hơn 26 triệu, Singapore 16 triệu và Indonesia 12 triệu, Philipines dưới 6 triệu, Campuchia 5 triệu, Lào 4 triệu... Như vậy, khoảng cách khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Thái Lan, Malaysia còn khá xa.
"Tuy nhiên, năm 2016 - 2017, Việt Nam có tín hiệu mừng là tốc độ tăng trưởng ngành du lịch lên khoảng gần 30%và khả năng tốc độ tăng trưởng trong những năm tới sẽ khá cao.
"So sánh giữa Việt Nam và Thái Lan về di sản văn hóa, thiên nhiên thì gần như tương đương. Thái Lan hơn ta về hạ tầng dịch vụ, ta xếp thứ 113/135 nước, còn Thái Lan đứng thứ 16. Nhưng về an ninh thì ta xếp thư 57, Thái Lan 118, nghĩa là có nhiều thứ ta yếu hơn nhưng cũng có cái mạnh hơn. Xét toàn diện thì 2 nước tương đương về khả năng tăng trưởng du lịch", ông Thiện nói.
Lãnh đạo ngành Văn hoá Thể thao Du lịch bày tỏ quan điểm "phát triển rất nhanh ngành du lịch với tốc độ cao", giả sử du lịch Việt Nam trong những năm tới tăng khoảng 20 đến 25 %, Thái Lan tăng 7% như hiện nay, "ta sẽ gặp nhau với Thái Lan sau 15 năm nữa".
"Tôi xin được trả lời bằng toán học như vậy, còn chúng ta sẽ phải cố gắng phát huy, làm hết sức mình", Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá chủ động nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của mình trong thời gian gần đây cũng như những tồn tại chung của ngành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc trả lời một số vấn đề cũng chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội nên có phần tranh luận cũng khá sôi nổi.
Đối thoại của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đại biểu Trương Trọng Nghĩa về bán đảo Sơn Trà
"Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được" Chiều 13/6, tham gia giải trình về Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên diễn đàn Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông đã yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch thành phố để bàn tất cả khía cạnh liên quan nhằm đi đến đồng thuận, mục đích là "có quy hoạch tốt để phát triển". “Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng là Đà Nẵng sau khi rà soát tất cả các dự án, làm việc với nhà đầu tư, với Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà xuống, bất cứ mức nào Chính phủ đều đồng ý, miễn là dưới ngưỡng 1.600 phòng. Nếu thành phố thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh”, Phó thủ tướng nói và thông tin thêm, trường hợp Đà Nẵng và Hiệp hội thấy rằng chưa cần phát triển du lịch Sơn Trà để ưu tiên bảo tồn, xin rút khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì “Chính phủ cũng sẽ đồng ý”. Đăng ký tranh luận với phần giải trình trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng, do đó khi có vấn đề thì Chính phủ cần vào cuộc. Giải đáp ý kiến của đại biểu, sáng 14/6, Phó thủ tướng khẳng định "Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được", nếu vậy thì không có câu chuyện quy hoạch quốc gia hay bàn với nhau con số 5.000 phòng hay 1.600 phòng. Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, cuối cùng là do Thủ tướng quyết định sau khi lắng nghe ý kiến các bên liên quan. |
Võ Hải - Hoàng Thuỳ
Xem diễn biến chính