-
11h32
Phiên làm việc của Quốc hội sáng nay kết thúc lúc 11h31. Chiều các đại biểu tiếp tục chất vấn từ 14h.
-
10h50
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình nêu thực trạng hàng năm Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn chất thải, khoảng 4-5 triệu tấn, trong đó gồm cả sắt thép phế liệu, "không biết có lẫn nguồn phóng xạ hay không vì số lượng nguồn phóng xạ mất cắp trên thế giới chưa tìm được rất lớn".
Ông cũng nêu vấn đề năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường của Việt Nam làm xong để phục vụ quan trắc, ứng phó với sự cố nhà máy điện hạt nhân", ông Bình đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá lại công nghệ của phế liệu nhập khẩu đầu vào làm nguyên liệu sản xuất, xem có đảm bảo chất lượng hay không, để có hướng xử lý tiếp theo.
Về kiểm soát phế liệu nghi nhiễm tinh chất phóng xạ, ông Chu Ngọc Anh nói, hiện cảng Cái Mép và Thị Vải đã được trang bị 8 cổng có thiết bị đo phóng xạ; vì thế phế liệu sắt, thép qua đây được kiểm soát. Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm tra chất lượng trên toàn lãnh thổ.
Với việc ứng phó nguy cơ phóng xạ hạt nhân, trên cơ sở tham mưu của Bộ Khoa học & Công nghệ, Thủ tướng đã phê duyệt mạng lưới quan trắc phóng xạ và mạng lưới quản lý sự cố.
"Quá trình vừa qua có sự chậm trễ nhất định do không chuẩn bị kịp dự án để đưa vào bố trí nguồn vốn trung hạn. Tuy nhiên hiện mạng lưới này đã triển khai được 5 điểm tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội và kết nối online về Bộ", lãnh đạo ngành Khoa học & Công nghệ nói và cho biết mạng lưới này sẽ được mở rộng ra một số tỉnh vào năm sau. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia và 45 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch của địa phương.
"Đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để Bộ có nguồn mở rộng mạng lưới trên ra toàn quốc vào năm 2021", ông đề nghị.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc đã ký thoả thuận trao đổi về an toàn bức xạ hạt nhân, mạng lưới quan trắc và ứng phó vào tháng 7 vừa qua; đầu năm 2019 có thể triển khai so sánh dữ liệu giữa 2 bên.
-
10h10
Tổng kiểm toán Nhà nước hứa xử nghiêm khi phát hiện tiêu cực trong ngành
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nêu, năm 2018 Kiểm toán Nhà nước ban hành 269 kết luận kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 97.000 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra,
"Có hay không dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quản lý sử dụng tài chính công? Dư luận cho rằng có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi chuyển sang cơ quan điều tra, Tổng Kiểm toán nói sao về dư luận này và có cam kết gì với cử tri cả nước?", bà Thuý hỏi.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2017 Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 16 vụ, hồ sơ sang các cơ quan, trong đó 4 vụ chuyển cơ quan điều tra và 12 hồ sơ sang cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật.
Luật Kiểm toán Nhà nước quy định 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán tuân thủ pháp luật và kiểm toán hoạt động. Các loại hình này được tiến hành trên cơ sở báo cáo tài chính của các bên cung cấp. Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra.
"Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể như kiến nghị bịt lỗ hổng chính sách trong quản lý BT, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp, thuế, tài chính công, tài sản công...", ông Phớc khẳng định.
Năm 2017, cơ quan này kiến nghị xử lý tài chính 97.000 tỷ và đến nay đã thu được 78,2%.
Về giải pháp chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, cơ quan kiểm toán Nhà nước đã triển khai xây dựng nhật ký online, thanh tra đột xuất; khi có thông tin về kiểm toán viên vi phạm thì tổ chức kiểm tra ngay, nếu không phát hiện dấu hiệu tiêu cực nhưng sai quy trình cũng đình chỉ kiểm toán viên đó.
"Kiểm toán Nhà nước nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trung thực. Chúng tôi cam kết có một thông tin về tiêu cực của kiểm toán viên thì sẽ xử lý và công khai tới đại biểu", Tổng Kiểm toán Nhà nước hứa.
-
9h30
Nợ xấu hệ thống ngân hàng khoảng 6,7%
Trả lời chất vấn về xử lý ngân hàng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương, định hướng trong lĩnh vực này. Ông thừa nhận quá trình xử lý các nhà băng yếu kém "có chậm như đại biểu nêu".
Nguyên nhân theo ông, do trong quá trình định giá lại các ngân hàng này, gồm việc đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư cần thời gian. Trên cơ sở cam kết của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện báo cáo chi tiết phương án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.
Về giải quyết nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh "đã xử lý tích cực". Sau một năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, hiện cơ quan chức năng xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó Công ty quản lý tài sản VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm, năm 2016 là 10,08%; năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 khoảng 6,7%.
-
9h15
Làm thế nào để cán bộ, đảng viên chủ động từ chức khi không còn đủ uy tín?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Trương Hoà Bình về quy định trách nhiệm nêu gương. Theo ông, mới đây Trung ương đã ban hành quy định yêu cầu cán bộ cấp cao "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ", vậy làm thế nào để áp dụng quy định này?.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói từ chức là vấn đề mới, mang tính tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy mình không còn đủ sức khoẻ, uy tín và có vi phạm.
"Trong Luật Cán bộ công chức đã quy định các hình thức kỷ luật, với cán bộ thì có bãi nhiệm và miễn nhiệm, nhưng pháp luật chưa quy định rõ việc từ chức", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, sau khi có nghị quyết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hoá ở các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành.
"Từ chức là vấn đề khá rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị, do vậy cần nghiên cứu hoàn thiện quy định. Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong từ chức có hình thức tự nguyện, nếu vi phạm mà không từ chức thì qua bỏ phiếu tín nhiệm không đạt sẽ bị bãi nhiệm. Ngoài ra, cán bộ vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý hành chính, kỷ luật đảng theo quy định", ông Bình cho hay.
-
9h15
Bộ trưởng Giáo dục: Sẽ có 'độ chắc chắn' trong tổ thức thi tốt nghiệp PTTH quốc gia
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương chấn vấn Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về giải pháp căn cơ để không tái diễn vi phạm tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia.
Ông Nhạ nói, Bộ đã tổ chức rà soát quy trình kỳ thi và đưa ra 3 nhóm giải pháp căn cơ.
Một là, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá theo hướng phong phú số lượng, nâng cao chất lượng từ đó xây dựng bài thi bám sát đánh giá năng lực học sinh và có phân hoá nhất định để các trường Đại học, Cao đẳng làm căn cứ xét tuyển. Giải pháp này "vừa trước mắt, vừa lâu dài rất quan trọng".
Hai là, cập nhật phần mềm quản lý thi, chấm thi để không có lỗ hổng. "Giải pháp công nghệ chúng tôi đã làm, tính khả thi cao", Bộ trưởng nói.
Ba là, siết chặt quy trình tổ chức thi, nhất là công tác chấm thi minh bạch.
"Với các giải pháp này chúng tôi sẽ có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, tiến tới kỳ thi giảm áp lực, tạo công bằng cho các thí sinh", ông Nhạ nhấn mạnh.
-
9h15
"Đề nghị bước qua lợi ích cục bộ để liên thông xét nghiệm trong y tế"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí về vấn đề liên thông xét nghiệm trong y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chính ông là người đề nghị triển khai việc này.
"Khi mới theo dõi ngành y tế, tôi đã gặp các nhà khoa học để lắng nghe ý kiến và được biết chi phí cho chữa bệnh thời điểm đó gồm thuốc khoảng 49%, kết quả xét nghiệm trên 11%, chụp chẩn đoán hình ảnh 8%. Đây là tỷ lệ quá lớn và lãng phí", ông Đam nói.
Một trong những lý do của tình trạng trên là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế, đặc biệt xã hội hoá - thực chất là tư nhân hoá trong nhiều năm có việc huy động, đầu tư máy móc để xét nghiệm, vì thế cơ sở có động cơ tìm mọi cách để xét nghiệm nhiều.
"Sau khi yêu cầu xây dựng đề án liên thông xét nghiệm, tôi đã yêu cầu tất cả các bệnh viện của Bộ phải gương mẫu làm trước", Phó thủ tướng nói.
Theo ông, việc liên thông rất đơn giản, chỉ cần các phòng xét nghiệm ở tất cả các sở y tế đạt chuẩn thì thực hiện liên thông. Bộ Y tế ban hành chuẩn, sau đó cho tổ chức kiểm tra độc lập xác nhận đạt chuẩn, nếu không đạt chuẩn thì không cho xét nghiệm.
"Liên thông sớm ngày nào tốt cho người bệnh ngày ấy. Đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế bước qua lợi ích cục bộ để tham gia vào quá trình liên thông kết quả xét nghiệm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
-
9h05
Cân nhắc thu hẹp hoạt động khu kinh tế cửa khẩu kém hiệu quả
Trả lời chất vấn về chính sách phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện có 26 khu kinh tế giáp biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc; mục tiêu là tạo chính sách, hạ tầng thuận lợi thu hút đầu tư vào khu vực này, thúc đẩy hoạt động thương mại, cải thiện việc làm cho người dân...
Trong 20 năm qua các khu kinh tế giáp biên giới cơ bản hoạt động hiệu quả; một số khu hoạt động kém hiệu quả có nguyên nhân là kinh phí đầu tư Trung ương, địa phương hạn hẹp; các vùng biên giới địa hình, kinh tế khó khăn...
Ông Dũng cho biết, tới đây Bộ Kế hoạch sẽ tổng rà soát hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, khu nào hoạt động không hiệu quả sẽ "thu hẹp, dừng ở mức nhất định"; còn khu nào hoạt động tốt xem xét mở rộng.
-
8h50
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm do chênh lệch lãi suất
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về tiến độ thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 9.600 tỷ đồng, nhà đầu tư đã thoả thuận với ngân hàng Vietinbank cung cấp tín dụng 6.800 tỷ đồng. Sau đó Vietinbank đã cùng với nhà đầu tư vận động thêm một số ngân hàng.
Đến tháng 6/2018, liên danh 4 ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn một theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Bộ trưởng Thể, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan đến quy định tại Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ngân hàng cấp tín dụng được tính lãi suất khoảng 7,5%. Trong khi mức mà các ngân hàng cho vay với công trình tương tự khoảng 10,5%. Đây là một sự chênh lệch rất lớn. Nhà đầu tư hay ngân hàng đều không thể chấp nhận lỗ 3%.
Bộ trưởng Thể cho biết sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch lãi suất. Sau khi Thủ tướng có quyết định về vấn đề này, chắc chắn dự án sẽ triển khai đúng tiến độ.
“Mặc dù trách nhiệm của nhà đầu tư chỉ là 1.500 tỷ nhưng đến thời điểm này, Nhà đầu tư đã giải ngân 2.300 tỷ. Nếu Chính phủ giải quyết xong vấn đề lãi suất tín dụng, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này”, ông Thể nói.
-
8h40
Tranh luận gay gắt về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến ngành công an
Sáng 1/11, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An đã có phản ứng với thông tin mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trên nghị trường trong phiên làm việc hôm qua.
Cụ thể vào sáng qua (31/10), ông Nhưỡng khi trao đổi với Bộ trưởng Công an đã cho biết rất ủng hộ "cuộc cách mạng" về sắp xếp lại Tổng cục, Cục trong ngành công an vừa qua. Tuy nhiên, qua báo cáo ông Nhưỡng thấy "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, cụ thể: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%".
Ông Cầu cho biết từ hôm qua đến nay ông "liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của các cán bộ trong lực lượng công an của tỉnh Nghệ An cũng như các nơi khác quan tâm đến phát biểu của đại biểu Nhưỡng".
"Tôi khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác, đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu nói rõ nếu không cán bộ trong lực lượng công an rất phân tâm", ông Cầu nói.
Giám đốc Công an Nghệ An thông tin, theo báo cáo của Viện kiểm sát thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87 trong số hơn 120.000 tin, số tin báo giải quyết quá hạn là 3.368 trong số hơn 120.000 tin (khoảng 2,8%).
"Còn nếu 100% không gửi các quyết định cho Viện kiểm sát, tôi nghĩ VKS giám sát thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra?", ông nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn ông Nguyễn Hữu Cầu đã cho ông cơ hội phát biểu vì rất băn khoăn không biết hôm nay phát biểu vấn đề này như thế nào. Giơ cuốn tài liệu có bìa màu vàng lên, ông Nhưỡng khẳng định đã "phải ngồi tính toán chi li từng số % trong phụ lục tài liệu".
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển xin tranh luận, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị với việc cụ thể này hai đại biểu nên gặp nhau trao đổi để không mất thì giờ các đại biểu và các vấn đề khác đang chờ được chất vấn.
Sau giờ giải lao, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết đã gặp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng để hỏi lại số liệu. Tuy nhiên, con số ông Nhưỡng nói trong phần phát biểu không hề có trong phụ lục tài liệu mà đại biểu này đã đưa ra con số sau khi tự làm các phép tính toán.
"Đại biểu Nhưỡng đã làm tính toán như sau. Trong hơn 142.000 đơn các cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý và 82 đơn thuộc ngành công an. Đại biểu lấy 82 chia 87 thành 94%. Toàn bộ số liệu này không phải công bố chính thức của Viện Kiểm sát, đại biểu lại nhầm lẫn trong tính toán khiến cử tri hiểu sai vấn đề", ông Cầu khẳng định.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục giơ biển tranh luận nhưng đã hết quyền (do đã tranh luận 2 lần).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, tranh luận qua lại là tốt nhưng vấn đề nói trên quá cụ thể, và "đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã châm ngòi cho quá nhiều tranh luận".
Trước đó trong phiên làm việc hôm qua 31/10, đại biểu Vương Ngọc Hà cũng không đồng tình khi ông Nhưỡng cho rằng "sai phạm trong điều tra hiện nay rất khủng khiếp". Bà Hà đề nghị ông Nhưỡng cung cấp nguồn số liệu mà đại biểu đã nói vì theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm thì vừa qua cơ quan chức năng đã đấu tranh làm giảm 2,7% án hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).
"Những nội dung đại biểu đưa ra là để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách sao cho công tác điều tra tội phạm tốt hơn, đồng thời còn phải động viên các chiến sĩ vì đây là nhiệm vụ đặc biệt, đôi khi phải đổ máu", bà Hà nói.