Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn sáng nay thứ năm ngày 1/11, Bộ trưởng Công an đã giải đáp câu hỏi của ông Nguyễn Sỹ Cương về xử lý thông tin sai lệch trên mạng internet.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, với tính nặc danh, các vi phạm không chỉ xuất phát từ mạng trong nước mà còn mang tính xuyên quốc gia; trong khi đó quy định pháp luật liên quan chưa hoàn thiện; thông tin vu khống, xuyên tạc muốn xử lý được thì cần giám định nên phải sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác; bổ sung quy định về chứng cứ số...
Đề cập đến giải pháp, ông Tô Lâm nói các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin trên không gian mạng, như phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với việc đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài hợp tác trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật tại Việt Nam...
“Tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về các trường hợp có hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để có các hình thức đấu tranh, xử lý kịp thời”, Thượng tướng Tô Lâm nói.
“Nghiên cứu công nghệ nhận dạng góp phần xoá sim rác”
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng về "vấn nạn sim rác kéo dài", Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, sim rác là khái niệm chưa được định nghĩa trong văn bản pháp luật. Đây là từ thường dùng để chỉ sim không có thông tin chính xác về người dùng và không tìm ra người dùng. Sim rác tồn tại dưới 2 dạng, kích hoạt sẵn tồn tại trên kênh phân phối, có thể mua dễ dàng và sim đã đến tay người dùng.
"Hôm qua tôi nói giải pháp căn cơ là người dùng sim phải chính danh, đăng ký đầy đủ thông tin, mà cái gốc là cơ sở dữ liệu căn cước công dân có số chứng minh, ảnh, vân tay để khi đăng ký chính xác đúng người, đúng sim. Nhưng khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Thông tin Truyền thông đã thực hiện một số giải pháp để thu hồi sim rác", tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nói.
Theo ông, từ cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi sim rác kích hoạt sẵn, từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel; tổ chức đăng ký lại thông tin thuê bao, từ 7/2017 các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh, những thuê bao chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.
"Sắp tới sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh, các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để người dùng sim thay thẻ điện thoại. Bộ cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Bộ giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý 2/2019 xong", ông Hùng nói và cho biết, công nghệ này không chỉ giúp đăng ký sim mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác.
Bộ trưởng Hùng khẳng định, làm được các việc trên trong khi chờ giải pháp căn cơ là xây dựng dữ liệu căn cước công dân thì "sẽ giải quyết được đáng kể vấn đề sim rác".
Vào chiều qua 31/10, khi trả lời chất vấn về sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói "cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ phải có cơ sở dữ liệu công dân chính xác, xác định mối quan hệ giữa người đến đăng ký sim và chứng minh thư nhân dân".
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng "tin độc, tin xấu, tin vu khống, tống tiền, phỉ báng cũng đều từ sim rác".
"Vấn đề quản lý nhà nước là một chuyện nhưng các doanh nghiệp có đồng hành thực hiện quy định không? Xin thưa, Tập đoàn Viettel là một trong những nhà cung cấp số lượng sim rác lớn ra thị trường; bước ra ngoài hội trường Quốc hội là đại biểu có thể mua được sim rác ngay. Bộ trưởng nói chờ đến bao giờ có cơ sở dữ liệu công dân hoàn thiện mới làm thì quá bị động", ông Hồng nói.
Triển khai mạng lưới quan trắc phóng xạ tại 5 tỉnh, thành
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình nêu thực trạng hàng năm Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn chất thải, khoảng 4-5 triệu tấn, trong đó gồm cả sắt thép phế liệu, "không biết có lẫn nguồn phóng xạ hay không vì số lượng nguồn phóng xạ mất cắp trên thế giới chưa tìm được rất lớn".
Ông cũng nêu vấn đề năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường của Việt Nam làm xong để phục vụ quan trắc, ứng phó với sự cố nhà máy điện hạt nhân", ông Bình đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá lại công nghệ của phế liệu nhập khẩu đầu vào làm nguyên liệu sản xuất, xem có đảm bảo chất lượng hay không, để có hướng xử lý tiếp theo.
Về kiểm soát phế liệu nghi nhiễm tinh chất phóng xạ, ông Chu Ngọc Anh nói, hiện cảng Cái Mép và Thị Vải đã được trang bị 8 cổng có thiết bị đo phóng xạ; vì thế phế liệu sắt, thép qua đây được kiểm soát. Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm tra chất lượng trên toàn lãnh thổ.
Với việc ứng phó nguy cơ phóng xạ hạt nhân, trên cơ sở tham mưu của Bộ Khoa học & Công nghệ, Thủ tướng đã phê duyệt mạng lưới quan trắc phóng xạ và mạng lưới quản lý sự cố.
"Quá trình vừa qua có sự chậm trễ nhất định do không chuẩn bị kịp dự án để đưa vào bố trí nguồn vốn trung hạn. Tuy nhiên hiện mạng lưới này đã triển khai được 5 điểm tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội và kết nối online về Bộ", lãnh đạo ngành Khoa học & Công nghệ nói và cho biết mạng lưới này sẽ được mở rộng ra một số tỉnh vào năm sau. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia và 45 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch của địa phương.
"Đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để Bộ có nguồn mở rộng mạng lưới trên ra toàn quốc vào năm 2021", ông đề nghị.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc đã ký thoả thuận trao đổi về an toàn bức xạ hạt nhân, mạng lưới quan trắc và ứng phó vào tháng 7 vừa qua; đầu năm 2019 có thể triển khai so sánh dữ liệu giữa 2 bên.
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn từ 14h chiều nay.
Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Võ Hải
Xem diễn biến chính