Tiếp nối phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày trước Quốc hội về những vấn đề trọng tâm của ngành, bao gồm nâng cao chất lượng báo chí trong thời đại số, quản lý quảng cáo trực tuyến và đầu tư hạ tầng viễn thông.
94 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn, trong đó nhiều người bày tỏ quan ngại về tình trạng thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội. Bà Trần Thị Thu Hằng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nhằm hạn chế quảng cáo không đúng sự thật trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng xuyên biên giới.
Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông khẳng định không còn cách nào khác là mọi ngành, mọi cấp phải quản lý "phần của nhà mình trên không gian mạng". Khi phát hiện sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xác định danh tính để xử lý. "Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam nếu không tuân thủ pháp luật, chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động", Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Ông ví von các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam là chủ chợ, phải tự làm sạch chợ của mình. Muốn vậy, các cơ quan cần định nghĩa tường minh "quảng cáo vi phạm". Khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu họ thiết kế công cụ tự rà quét và tháo gỡ.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) chỉ ra rằng sự bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó đáng chú ý là tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và tác động xấu đến xã hội. Ông đề nghị Bộ trưởng có giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Khẳng định việc quản lý thông tin trên mạng xã hội là một thách thức chung của toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trước đây quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.
Ông nhấn mạnh trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, đảm bảo thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. "Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng. nên phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng nói.
Theo ông, con người đã sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nên không gian số mới được 10-20 năm còn mới lạ với nhiều người, việc thích nghi cần thời gian. Vì vậy, ông nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác truyền thông và giáo dục để giúp người dân đề kháng trên không gian số, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng tránh thông tin sai lệch. Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai có thể liên hệ với Trung tâm Tin giả quốc gia và cấp địa phương để phản ánh và đề nghị giúp đỡ.
Xử lý nghiêm người bóc phốt, bói toán trên mạng xã hội
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) nêu tình trạng nhiều người dùng mạng xã hội để nói xấu, bóc phốt nhau. "Các nước đã có quy định bảo vệ an ninh mạng, Bộ trưởng đưa ra giải pháp nào khả thi để xử lý tình trạng này", ông Định đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hùng cho biết mặc dù đã có những biện pháp xử phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, nhưng mức phạt hiện tại ở Việt Nam dao động 5-10 triệu đồng vẫn chưa đủ sức răn đe. Ông cho biết nhiều quốc gia khác đã áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều, thậm chí lên đến hàng triệu USD hoặc quy trách nhiệm cho chủ mạng xã hội.
"Chúng ta cần xử lý nghiêm minh để răn đe. Bộ Công an có Luật phòng chống tin giả, nên về thể chế sẽ giải quyết được vấn đề này", ông Hùng nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn phản ánh việc quảng cáo trực tuyến thường dùng dữ liệu người dùng, không đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại bảo mật khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập các website. "Theo báo cáo, dữ liệu của người dùng bị đánh cắp đã tăng 50% so với năm ngoái gây bức xúc, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để chủ động phòng ngừa?", ông chất vấn.
Bộ trưởng cho biết lừa đảo trực tuyến nắm được nhiều thông tin khiến người dân cảm thấy như họ là người Nhà nước. "Câu chuyện thực tế là nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, tôi đi thay kính cận cũng được hỏi tên, tuổi, địa chỉ, làm nghề gì", ông nói. Song những công ty nhỏ chưa hiểu biết pháp luật về thu thập thông tin phải xin phép, phải có hệ thống an toàn để không bị tấn công và phải có quy chế nội bộ để người khai thác trên hệ thống không mang đi bán, giao dịch với doanh nghiệp khác.
Luật An ninh mạng đã quy định trách nhiệm của người thu thập thông tin cá nhân phải bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định pháp luật. Năm 2023, Bộ đã coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra về sử dụng dữ liệu cá nhân, tập trung vào các nhà mạng viễn thông, công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội và trang thông tin để chấn chỉnh.
"Bộ đã công bố những sai sót để nhắc nhở doanh nghiệp thu thập thông tin phải thực hiện đúng quy định pháp luật, sắp tới sẽ nâng cấp Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân lên thành luật để trình Quốc hội", Bộ trưởng Hùng thông tin.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cho rằng Luật an ninh mạng đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để tuyên truyền mê tín dị đoan, song hiện nay tình trạng bói toán trên mạng rất nhiều gây nhiều hệ lụy. "Bộ trưởng cógiải pháp căn cơ nào để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng?", bà đặt câu hỏi.
Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh và xử lý các hành vi mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, Bộ đã phát triển các công cụ hiện đại để tự động phát hiện và phân loại nội dung vi phạm và làm việc với các nhà mạng xã hội để tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý nội dung, góp phần làm trong sạch không gian mạng.
"Chúng tôi xác định xử lý mạnh tay với các vi phạm, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần", ông Hùng khẳng định.
Tranh luận với Bộ trưởng, Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam nói cử tri quan tâm về giải pháp khắc phục quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng vì nó ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. "Cần nêu rõ đâu là giải pháp cốt lõi, Bộ đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác này chưa?", bà chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết "Bộ đã làm hết sức". Nội dung quản lý về quảng cáo đã có nhiều tiến triển. Trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ thực hiện hạn chế, 10 nội dung chỉ gỡ 1-2. "Còn giờ đây, họ thực hiện nghiêm trên 90%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế", ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các nền tảng phải hạ các tài khoản và trang thông tin vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng đây là một vấn đề phức tạp và luôn thay đổi, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải không ngừng cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp luật để thích ứng với tình hình mới. Việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh và hiệu quả cho không gian mạng là một nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội.
Hỗ trợ điện thoại cho hộ nghèo, xóa vùng lõm sóng
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, Internet tăng trưởng khá mạnh trong hai năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số.
Đối với vấn đề phủ sóng Internet, Bộ trưởng cho biết, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng.
Trong năm nay, Bộ sẽ ban hành Nghị định để có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình Sóng và máy tính cho em để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng. "Chúng tôi sẽ xin phép Thủ tướng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với khoảng 1-1,2 triệu máy để các hộ nghèo có điện thoại thông minh", ông Hùng nói và cho biết ở các quốc gia phủ sóng là xong, còn mình hỗ trợ cả phí dùng điện thoại, đây là chính sách hỗ trợ thuộc loại "nhất thế giới".
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Phó chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn) nói việc phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu vùng xa đã được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, còn 761 thôn chưa có băng rộng di động và 124 thôn chưa có điện. Việc phủ sóng cần có sự hỗ trợ quỹ dịch vụ viễn thông công ích, song văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viễn thông liên quan nội dung này còn chậm trễ. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết qua dịch Covid-19, cơ quan quản lý mới phát hiện ra khá nhiều vùng lõm sóng vì lúc đó chỉ còn cách học trực tuyến, làm việc trực tuyến. Bằng cơ chế đặc biệt của Quốc hội, Bộ đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản lõm sóng. Hơn 700 vùng lõm sóng mới được phát hiện gần đây và có thể còn thêm, sẽ phải thực hiện theo quy định mới tại Luật Viễn thông và nghị định, văn bản hướng dẫn. "Đến nay nghị định chưa được ban hành, còn chậm trễ do nhiều nguyên nhân nhưng tôi nhận trách nhiệm này về cá nhân mình", ông nói.
Bộ trưởng cam kết "cố gắng hết sức trong năm nay sẽ hoàn thiện nghị định", giúp cơ chế thông thoáng hơn để xây dựng các trạm vùng sâu vùng xa, cải thiện hạ tầng phủ sóng, khắc phục 761 trạm này. Với trạm chưa có điện, Bộ sẽ làm việc với Bộ Công Thương, hoặc sử dụng vệ tinh. "Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất. Đây là giải pháp phủ sóng hầu hết cụm dân cư, thôn bản nhỏ 15-20 hộ dân", Bộ trưởng Hùng thông tin.
Giơ biển tranh luận,Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng việc chậm sửa Nghị định viễn thông công ích làm 761 thôn chưa có sóng. "Đề nghị Thủ tướng có giải pháp căn cơ. Luật quy định mang tính chất khung nên gánh nặng xây dựng thể chế lên vai Chính phủ càng lớn, cần sớm có giải pháp", ông Ba đề nghị.
"Chất lượng thể chế được xác định là trọng tâm, Bộ trưởng được giao trực tiếp chỉ đạo vấn đề này, nên khi có chậm trễ tôi nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Hùng nói. Ông cho biết để khắc phục cần dùng công nghệ để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế, thậm chí thể chế quốc tế, bởi rất nhiều quy định của thông tin truyền thông có tính quốc tế rất cao, hoàn toàn có thể tham khảo.
Bộ cũng đang phát triển trợ lý ảo để khi ban hành nghị định mới có thể hỏi xem các pháp luật liên quan có những pháp luật, nghị định, thông tư nào đề cập đến văn bản để xem có mâu thuẫn, chồng chéo không. Trợ lý ảo này đang hoàn thiện bước cuối cùng, cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi.
Ông cho rằng việc sửa đổi luật, nghị định hiện nay đang kéo dài quá trình lập pháp, khiến cho việc ban hành các quy định pháp luật mới không kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ông đề xuất cách làm linh hoạt hơn, cho phép sửa đổi từng điều luật một cách độc lập đối với những nội dung đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Xây dựng cơ chế đặc thù cho 6 cơ quan báo chí chủ lực
Phó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.
Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng (800) trong khi nguồn thu lại giảm sút.
Ông Hùng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. "Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi", ông nói.
Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.
Bộ trưởng cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau. Vì vậy ông mong muốn báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
"Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực", ông Hùng nói.
Chiều nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn.
Xem diễn biến chính