Tiêm kích F-16 Mỹ phiên bản máy bay không người lái (UAV), có tên Vista, trưa 2/5 cất cánh từ căn cứ không quân Edwards tại bang California, chở theo một hành khách đặc biệt ở ghế trước là Bộ trưởng Không quân Frank Kendall. Thông tin về chuyến bay chỉ được truyền thông Mỹ công bố vào ngày 4/5 vì lý do an ninh.
Tiêm kích Vista có màu trắng - cam, được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển và bay với tốc độ hơn 885 km/h bên cạnh một chiếc F-16 có người lái. Hai phi cơ bay cách nhau trong phạm vi khoảng 300 mét, liên tục thực hiện các động tác nhằm đẩy chiếc còn lại vào thế khó, nhằm mô phỏng tình huống tác chiến thực tế.
Ông Kendall, người từng là kỹ sư hàng không, và phi công ở ghế sau không can thiệp vào việc điều khiển phi cơ trong suốt chuyến bay.
Chiếc Vista hạ cánh an toàn sau một giờ. Ông Kendall mỉm cười khi bước ra khỏi buồng lái, khẳng định đã trải nghiệm đủ để tin tưởng rằng có thể trao cho AI này quyền quyết định có khai hỏa vũ khí hay không, trong trường hợp xảy ra xung đột.
Không sở hữu chiến đấu cơ điều khiển bằng AI là "rủi ro an ninh. Chúng tôi phải có nó", Bộ trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh.
Có nhiều ý kiến phản đối kế hoạch cho AI tự động lái tiêm kích. Các chuyên gia về kiểm soát vũ khí và tổ chức nhân đạo lo ngại một ngày nào đó AI có thể tự động thả bom mà không cần tham khảo ý kiến của con người, nên đang vận động để ban hành thêm các hạn chế với việc sử dụng công nghệ này.
"Có rất nhiều ý kiến lo ngại sâu sắc về việc trao cho các các cảm biến và phần mềm quyền đưa ra những quyết định sinh tử", Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế cảnh báo. Vũ khí tự động là "mối lo ngại tức thì, đòi hỏi phải có phản ứng chính trị quốc tế khẩn cấp".
Trong khi đó, Bộ trưởng Kendall khẳng định sẽ luôn có sự giám sát của con người trong các trường hợp vũ khí được sử dụng.
AI là một trong các bước tiến lớn nhất trên lĩnh vực hàng không quân sự kể từ sau sự xuất hiện của công nghệ tàng hình vào đầu những năm 1990. Không quân Mỹ đang tích cực đầu tư vào AI và có kế hoạch xây dựng lực lượng gồm hơn 1.000 chiến đấu cơ không người lái do công nghệ này điều khiển. Chiếc đầu tiên dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2028.
UAV chạy bằng AI sẽ giúp không quân Mỹ xuyên phá phòng tuyến đối phương tốt hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro mất phi công. Các khí tài này cũng được kỳ vọng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như hỗ trợ hoạt động trinh sát và gây nhiễu.
Một động lực nữa khiến Lầu Năm Góc theo đuổi dự án là nó sẽ giúp không quân Mỹ cắt giảm chi phí. Ông Kendall cho biết việc xây dựng đội quân UAV dự kiến có giá rẻ hơn so với phát triển các mẫu chiến đấu cơ phản lực có người lái mới.
Tổ vận hành Vista cho biết trên hiện không có nước nào trên thế giới sở hữu chiến đấu cơ phản lực do AI điều khiển giống như Mỹ. Trung Quốc cũng có công nghệ AI, song chưa có thông tin Bắc Kinh đã ứng dụng công nghệ này ở ngoài môi trường mô phỏng. Nhiều bài học chỉ có thể thu được thông qua quá trình bay thực tế, theo tổ vận hành.
Phi cơ Vista lần đầu thử nghiệm bay do AI điều khiển vào tháng 9/2023, sau đó thực hiện thêm khoảng 20 chuyến tương tự. AP nói rằng chương trình học hỏi nhanh đến nỗi một số phiên bản AI thử nghiệm trên chiếc Vista đã có thể đánh bại máy bay do phi công điều khiển trong các trận không chiến.
Phạm Giang (Theo AP)