Chính phủ vừa khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối 95 cơ quan Trung ương và địa phương. VnExpress có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về nội dung này.
- Trục liên thông văn bản quốc gia đã hoạt động được 10 ngày, hiệu quả so với cách làm truyền thống như thế nào, thưa ông?
- Cái được đầu tiên là giảm được nhiều khâu, nhiều thủ tục, không phải in ấn, sao gửi giấy tờ. Bình thường gửi một văn bản từ Văn phòng Chính phủ xuống địa phương là 2 ngày, giờ chỉ cần ấn nút, trong tích tắc là tới, nhận được ngay và trình luôn, không mất chi phí. Việc này còn giúp giảm tiêu cực, tạo ra sự minh bạch, chứng minh cho một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.
Trục liên thông văn bản là hệ thống tiếp nhận 2 chiều, văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký "tươi" có dấu đỏ, và tất cả được lưu vết nên địa phương cũng không thể nói là chưa nhận được.
Mỗi năm, riêng tiền photo, giấy, mực... đã tiết kiệm được khoảng 154,3 tỷ đồng. Tiền bưu chính tiết kiệm khoảng 575,2 tỷ đồng. Chi phí thời gian, nhân công tính sơ bộ theo giá của Ngân hàng Thế giới tiết kiệm khoảng 576 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí mà chúng ta phải bỏ ra thì việc sử dụng văn bản điện tử có thể giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng.
- Việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang văn bản số được thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi có một phần mền quản lý văn bản theo quy trình khép kín trên môi trường mạng, có thể dùng thiết bị di động. Để làm tốt việc chuyển đổi, lãnh đạo phải đi tiên phong, không thể nay ký số mai ký giấy. Tôi dứt khoát không ký tay nên cấp dưới không dám trình văn bản giấy (trừ văn bản mật). Nếu không làm thế thì ngày nào văn bản cũng xếp đống trên bàn. Lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị đang sử dụng thiết bị di động (ipad) để thực hiện ký số, phê duyệt phiếu trình. Chúng tôi quyết tâm thực hiện "Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ", hướng tới Chính phủ phi giấy tờ.
- Để tiến tới Chính phủ phi giấy tờ, ngoài liên thông văn bản thì Chính phủ phải giảm được thời gian hội họp. Ông nghĩ sao?
- Văn phòng Chính phủ đang gấp rút triển khai và phấn đấu đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp (e-Cabinet) vào tháng 6/2019. Thành viên Chính phủ sẽ trao đổi với nhau trên nền tảng điện tử. Các phiên họp chỉ bàn những vấn đề còn ý kiến khác nhau, hoặc dành thời gian để biểu quyết.
Khi chúng tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở Estonia, các chuyên gia tại đây cho biết những phiên họp Chính phủ của họ kéo dài nhiều nhất 30 phút, có những phiên chỉ 5-7 phút. Thành viên Chính phủ đến dự để thống nhất vấn đề và ấn nút biểu quyết bằng vân tay vì trước đó đã thảo luận, cho ý kiến trên mạng.
- Khi tất cả văn bản được số hoá, việc đảm bảo an toàn dữ liệu được tính toán như thế nào?
- Việc bảo mật dữ liệu và thông tin là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khi xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng tôi giao đầu bài cho các nhà đầu tư phải bảo đảm có hệ thống dự phòng, phương án phòng ngừa tấn công của hacker, mã độc... Thiết bị ứng dụng, đường truyền phải được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, ADB... cũng có đánh giá về nội dung này.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống được xây dựng hai đường, một đường chạy và một đường dự phòng. Chuyên gia nước ngoài cũng giúp chúng ta rất nhiều trong việc phòng ngừa mã độc, loại trừ các thiết bị nguy hại, nguy cơ mất dữ liệu thông tin.
- Người dân được hưởng lợi gì từ Trục liên thông văn bản quốc gia?
- Theo kế hoạch, dự kiến đến quý IV/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (Vietnam Data Exchange Platform - VDX) để kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cũng trong quý IV/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ khai trương. Theo đó, tất cả những dịch vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công này.
Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn việc doanh nghiệp, người dân phải gặp trực tiếp cán bộ thực thi công vụ; hay việc ký văn bản rồi nhưng chưa phát hành... Tất cả tiêu cực, lợi ích nhóm, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân sẽ được loại bỏ.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thí điểm thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe. Các thông tin như công dân đi xe biển số nào, vi phạm giao thông ở đâu, bị giữ bằng hay tước bằng... đều lưu giữ trên hệ thống điện tử. Căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng sẽ quyết định có cấp lại giấy phép lái xe cho người dân hay không.
Tháng 7/2018, Thủ tướng ban hành quyết định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó lần đầu định nghĩa về Trục liên thông văn bản quốc gia. Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kế hoạch với 13 nhiệm vụ khác nhau để thực hiện chủ trương trên. Ngày 12/3, Trục liên thông văn bản được Chính phủ khai trương. Tất cả 95 cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành kết nối trên Trục; trong tháng 1/2019 đã có gần 30.000 văn bản nhận điện tử được gửi và nhận.
Văn bản điện tử là dạng dữ liệu được tạo lập hoặc số hoá từ văn bản giấy. Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi và nhận văn bản điện tử.