Chiều 7/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. 53 đại biểu đăng ký chất vấn, tập trung vào việc chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và chất lượng nông sản.
Phát biểu mở đầu, ông Hoan bày tỏ mong muốn "phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại ở câu hỏi và trả lời, tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm vấn đề tồn tại và mới phát sinh". Trong phần trả lời sau đó, ông Hoan thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm liên quan đến một số vấn đề.
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ chất vấn: "Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phân phối của doanh nghiệp trong nước. Nông sản Việt Nam sang nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở trong nước còn thấp. Vì vậy thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?".
Bộ trưởng Hoan nói chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật mấy trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao thế, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế? Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistic rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không nếu so với bán nội địa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về việc xuất khẩu nông sản.
Ông Hoan dẫn chứng, Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nhưng nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP HCM thì mới rõ bức tranh. "Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", ông Hoan nói.
Liên quan đến xuất khẩu nông sản, đại biểu Hoàng Anh Công đặt vấn đề, thời gian qua cử tri rất lo lắng tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía Bắc. Một trong những nguyên nhân là yêu cầu về chất lượng nông sản của Trung Quốc ngày càng cao. Bộ có giải pháp gì để tăng chất lượng nông sản?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính, chính quyền siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó nông dân Việt Nam chậm thay đổi, vẫn quen Trung Quốc là thị trường dễ tính. Việc này tất nhiên có trách nhiệm của các bộ ngành.
Về giải pháp, ông Hoan nói chỉ có cách tổ chức lại ngành hàng sản xuất, thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các bộ Nông nghiệp và Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, rồi một ngày nào đó nông sản Việt Nam danh chính ngôn thuận nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Minh Hoan nói về tình trạng ùn ứ nông sản.
Đại biểu Dương Khắc Mai nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. "Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.
"Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản, chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.
Trả lời đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Hoan thừa nhận vấn đề khi nào 100 triệu dân Việt Nam được dùng thực phẩm an toàn "là câu hỏi lặp lại rất nhiều từ trước đến nay". Ông không thoái thác trách nhiệm, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên - dưới, trong - ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.
Việt Nam chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Media Quốc hội
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ chưa hài lòng khi Bộ trưởng nói khó trả lời "khi nào, bao giờ" về lời nguyền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bà Mai đồng ý có quy luật cung cầu, cạnh tranh, nhưng vai trò quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường gồm có kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo. Như vậy không thể nói là khó xác định được kết quả, trong khi việc này là quy luật tiên tiến, thông lệ quốc tế đang áp dụng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nếu ở vai trò đại biểu ông cũng kỳ vọng như bà Mai. Tuy nhiên, khi nói "khó xác định" không có nghĩa ngành sẽ đứng yên mà trong cái khó phải tìm ra hướng đi. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chính là cách vận động theo xu thế đó, chủ động thích ứng thay đổi chứ không bị động.
"Tôi rất chia sẻ với cảm xúc của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Tôi nói khó đưa ra câu trả lời có vẻ bản thân tôi chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tôi sẽ nghiên cứu để trả lời thêm đại biểu", ông Hoan nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề cập, sau thời gian dài tránh dịch, bộ phận lao động không quay lại đô thị, sau này nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học về quê lập nghiệp, đây là xu hướng mới nhưng cũng là thách thức cho việc tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn. "Cả nền nông nghiệp truyền thống nghìn năm cho đến nay cơ bản là nền nông nghiệp gia công, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp. Nông dân chưa giàu được từ nông nghiệp. Bộ trưởng nghĩ gì?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời, thực trạng mà ông Lộc nêu cho thấy nông thôn đã có biến động "cộng và trừ" trước dòng người quay về quê lập nghiệp. Trước đây, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm mới là chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, gồm hợp tác xã, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nông nghiệp và du lịch nông nghiệp.
"Chỉ khi đó kinh tế nông thôn mới tạo ra nhiều việc làm, ly nông bất ly hương, để người nông dân ở nông thôn không thể sống bằng nông nghiệp, mà bằng dịch vụ", ông nói và hy vọng đề án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị mới ở nông thôn.
Bộ trưởng Hoan nói thêm, khởi nghiệp trong nông nghiệp không có nghĩa về quê làm nông mà từ sản phẩm nông nghiệp của bà con, các bạn trẻ có thể tận dụng khoa học công nghệ, kinh tế thị trường, chuyển đổi số... để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Chẳng hạn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã từng bước chuyển hóa được nông sản thô sang chế biến, tạo ra nhiều không gian hơn cho phát triển sản phẩm nông nghiệp và bớt đi tình trạng gia công cho nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí hỏi, Nghị định 67 giúp ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi bám biển đã hơn 7 năm, nhiều ngư dân giỏi sau đó mắc nợ. Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ việc này?
Bộ trưởng Hoan đáp, Việt Nam có 800.000 ngư dân thường xuyên ra khơi. Nghị định 67 nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, vừa mang tính chất kinh tế, vừa giữ gìn biển đảo. "Tuy nhiên, có những ngư dân giỏi sau này lại khó khăn, nợ ngân hàng. Vấn đề này liên quan đến các thiết chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm", ông nói và thông tin Bộ đang dự thảo thay thế Nghị định 67.
Có rất nhiều bài học được rút ra từ chính sách hỗ trợ này, đầu tiên là chương trình rất lớn, do khách quan nên xây dựng đề án trong thời gian ngắn. "Có cái không lường trước được liên quan đến tổ chức, có trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và các đơn vị khác", ông Hoan thừa nhận và nói tiếp: "Điều kiện ngư trường lúc đó suy giảm mà chúng ta chưa đủ điều kiện khảo sát. Trong đại dịch Covid-19, các tàu không ra khơi được. Nhiều khó khăn chồng chất cho ngư dân".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Phong
Qua chương trình này, ông Hoan cho rằng "không phải cứ có tiền là giải quyết được vấn đề mà phải tổ chức ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản địa phương". Khâu xét chọn các ngư dân tham gia hưởng chính sách của Nghị định 67 để được vay vốn đóng tàu cần được chặt chẽ hơn.
Đơn cử, có khoảng 300 tàu được xây dựng, có chức năng chuyên cung cấp hậu cần cho tàu khác để ngư dân sống dài ngày trên biển hơn. "Nhưng chúng ta không biết rằng tàu cá đã có đối tác chuyên cung cấp hậu cần rồi. Vì vậy, những nhóm tàu được kỳ vọng làm hậu cần thì lại không phát triển được", ông Hoan phân tích.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình với Bộ trưởng Hoan rằng nông nghiệp cần chuyển từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa. Nhưng để chuyển đổi từ sản xuất cái thị trường cần, chứ không phải những thứ truyền thống, theo thói quen là câu chuyện lớn, cần nỗ lực cao. "Nông nghiệp chuyển động theo kinh tế thị trường, nhưng vẫn mang đậm tính tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm chưa theo tín hiệu thị trường", Bộ trưởng Diên nhận xét.
Ông Diên khẳng định, nông sản Việt có thể trở thành hàng hóa bán ra thế giới. Hiện, Việt Nam đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường rất rộng mở, sản phẩm nông sản vừa qua đã vào được nhiều thị trường khó tính, như Mỹ, EU, Nhật Bản... Sản phẩm xuất khẩu được đã đạt tiêu chuẩn thị trường, người sản xuất hình thành tư duy bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Hoàng Phong
Để hàng hóa nông sản xuất khẩu được nhiều hơn, ông Diên cho biết hai Bộ sẽ làm tốt hơn việc thông tin thị trường, qua đó định hướng vùng trồng, vùng nuôi của các địa phương; đàm phán, khai thác lợi thế các FTA đưa sản phẩm trái cây, vật nuôi vào các nước. Song ở khía cạnh này, ông Diên nói "khá vất vả vì đấu nhau từng tí một". "Trong đàm phán công thức là bia kèm lạc, tức là họ chấp nhận cho sản phẩm này của ta vào thì ta cũng phải chấp nhận sản phẩm của họ vào thị trường Việt Nam", ông giải thích.
Về đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, như phân bón, xăng dầu..., ông Diên nói đây là thực trạng phổ biến toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao khi nhiều quốc gia siết chặt các chính sách kích cầu. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra, như giảm thuế, giảm lãi suất, tiền điện, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế; tăng kiểm tra kiểm soát thị trường, xuất nhập khẩu...
Trước những khó khăn hiện nay, Bộ trưởng Công Thương nói sẽ tham mưu Chính phủ, cấp có thẩm quyền nghiên cứu giảm tiếp thuế nếu giá xăng dầu, đầu vào tiếp tục tăng cao hoặc tính tới dùng các công cụ, chính sách, quỹ an sinh để hỗ trợ người dân, người thu nhập thấp. "Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh để người dân nói chung, ngư dân vươi khơi bám biển bớt khó khăn", ông Diên nói.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp lớn có liên quan đến chuyển đổi lực lượng sản xuất, an ninh, chính trị, công ăn việc làm của nông dân. Có nhiều hình thức tập trung đất đai thành công như dồn điền đổi thửa, hợp tác xã liên kết, cho thuê... Thời gian tới, Bộ sẽ có giải pháp về tập trung đất để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, làm sao để nông dân ly nông nhưng không ly hương.
Hiện có nhiều mô hình hay về doanh nghiệp liên doanh, liên kết gắn với người nông dân, từ giống, phân bón, sản phẩm nông sản...
Bộ cũng đang tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao trong quỹ đất nông nghiệp. Cả nước có 4.700 ha quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm nhiều.
Để phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và thích ứng biến đổi khí hậu thì phải có đa mục tiêu, tức là kinh tế xanh, phục hồi rừng...
Sáng mai (8/6), Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7/6.