Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 sáng 7/12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng, quý sau tốt hơn tháng, quý trước. Các địa phương là động lực thúc đẩy kinh tế như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... dự báo tăng trưởng cao trong quý IV.
"Đây cũng là các địa phương sẽ dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam theo hướng ngày càng tích cực. Chẳng hạn, IMF đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cùng đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, 11 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực. Tính chung 11 tháng, tổng vốn FDI đăng ký khoảng 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng. Họ cũng cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, điển hình như sự kiện ký kết giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý IV khoảng 7,5%, cả năm trên 7%. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là một trong những việc khó phải thực hiện từ đây đến cuối năm.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, thủ trưởng phải đổi mới tư duy, hành động với tinh thần "dám nghĩ, dám làm"; "thực hiện phải có hiệu quả"; "bàn làm, không bàn lùi". Các thành viên Chính phủ cũng cần có sáng kiến, đột phá để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Việc này, theo lãnh đạo Chính phủ, còn giúp giữ nhịp phát triển trong các năm tới, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% vào 2025; tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Liên quan tới tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ bên ngoài. Khối lượng công việc tháng cuối năm lớn, cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất từ các bộ ngành, địa phương để giải quyết.
Để đạt mục tiêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Các nguồn lực cần được tập trung ưu tiên cho hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, liên kết vùng, tiêu thụ hàng hoá dịp cuối năm.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc xây dựng chính sách phải "nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn". Theo đó, các chính sách phải "cởi trói" để sản xuất kinh doanh bung ra. Việc này nhằm đạt ưu tiên cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng, từ đó, tăng thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động, vị thế đất nước.
Theo lãnh đạo Chính phủ, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược cần được đẩy mạnh. Nhất là, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu quốc gia, đổi mới sáng tạo, cao tốc, sân bay, cảng biển và đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Ông nhắc lại mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện phương án xử lý, có giải pháp đột phá xử lý Ngân hàng SCB. Ngoài ra, ông giao Bộ Xây dựng chuẩn bị tổ chức hội nghị về phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản
Phương Dung