Chia sẻ tại tọa đàm ngày 19/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan này đang giao Tổng cục thống kê khảo sát tình hình hoạt động, đóng cửa của doanh nghiệp hiện nay.
"Nếu ra đường thấy hàng quán đóng cửa, doanh nghiệp trả văn phòng thì rất đáng lo ngại", ông nói, cho rằng hiện doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để lớn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 5 tháng đầu năm, 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tức, bình quân mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp đóng cửa. Số này chỉ thấp hơn một chút so với 19.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
"Một số bộ ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát doanh nghiệp, chưa coi khó khăn của doanh nghiệp là của mình để đồng hành", ông Tâm nói.
Về phía cầu, tiêu dùng trong nước 5 tháng tăng khá nhưng dự báo cả năm khó như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019. Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng, nhưng cũng đối mặt với khó khăn từ thị trường thế giới, áp lực cạnh tranh, rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói các doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ Nhà nước. Ông dẫn ví dụ doanh nghiệp Việt muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của nhà đầu tư ngoại nhưng không dễ dàng. Bởi, họ khó tiếp cận công nghệ lõi đang nằm trong tay tập đoàn lớn, hay chuỗi cung ứng đã có quan hệ sẵn với nhau. Trong khi, vòng ngoài cùng đại trà cũng không dễ cạnh tranh với hàng Trung Quốc 'ngon-bổ-rẻ'.
"Quan trọng phải có bàn tay vô hình của Nhà nước để doanh nghiệp lớn lên", Bộ trưởng nói, nhấn mạnh các chính sách phải thiết thực, đi vào cuộc sống hơn nữa. Chẳng hạn, Nhà nước nên hỗ trợ những người từng tham gia vào quy trình sản xuất, nắm công nghệ tại các doanh nghiệp FDI lập nghiệp. "Đó sẽ là những người có được công nghệ, quan hệ, tham gia chuỗi hỗ trợ nhanh nhất", ông nói.
Hoặc giải pháp để kết nối, mua, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài nắm bí quyết, công nghệ, bằng sáng chế cũng được ông Dũng đề cập tới. "Như vậy mới hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, nếu không sẽ không thể đầu tư sản phẩm, tham gia chuỗi của họ", Bộ trưởng nói thêm.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% và CPI 4%. Theo Bộ trưởng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ hội vẫn rất lớn. Ông cho rằng để nắm bắt được cơ hội, cải cách thể chế cần mạnh mẽ hơn nữa.
Ông nhắc tới dự án nhà máy Tesla hàng tỷ USD khi đầu tư tại Trung Quốc chỉ mất chưa tới một năm từ khi khởi công đến khánh thành, đi vào hoạt động. Họ cũng mất 2 tháng để xây trung tâm thương mại như Aeon tại Việt Nam; hay khu đô thị ở UAE 20 tỷ USD quy mô 600 ha, 500 tòa nhà làm đúng 5 năm.
"Hàng nghìn ví dụ như vậy cho thấy nếu chúng ta không thay đổi thì không hiệu quả, đáp ứng yêu cầu", ông nhấn mạnh. Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư liên tục yêu cầu rà soát quy định, cải cách hành chính. Việc này, theo ông phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, Bộ này đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước, do Thủ tướng làm trưởng ban.
Ông cho rằng phải đi vào gốc rễ để giải quyết các điểm nghẽn mới có thể khơi thông được các nguồn lực, gồm cả khu vực đầu tư trong nước đến nước ngoài. "Như khu vực tư nhân, họ không biết làm gì, không có kênh đầu tư thuận lợi nên mới đổ xô đi mua vàng", ông ví dụ.
Bộ trưởng thừa nhận đang có tắc nghẽn về thủ tục đất đai, pháp lý, thanh, kiểm tra. Theo ông, mỗi thành phố lớn hiện có hàng trăm dự án lớn chưa giải quyết được, tồn đọng hàng chục năm. "Nếu tháo gỡ được sẽ là nguồn lực lớn cho phát triển, xã hội", ông nói, thêm rằng buộc phải tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần nâng nhận thức về các loại hình kinh tế mới, kinh tế xanh, số, chia sẻ, tuần hoàn. Việc này nhằm tận dụng cơ hội từ các loại hình mới, giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn.
Phương Dung