Góp ý tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 27/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước hiện tượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tương đương với số thành lập mới.
Theo đại biểu Bùi Quỳnh Thơ, 9 tháng đầu năm có trên 96.600 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp phát sinh và không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế gần 84.640 đơn vị, chưa kể trong số các doanh nghiệp thành lập mới, số phát sinh thuế về cơ bản là thấp. "Hình thành mới các doanh nghiệp là quan trọng nhưng cũng cần đánh giá thực chất của sự đóng góp số này vào ngân sách", nữ đại biểu tỉnh Hà Tĩnh nhận xét.
Chia sẻ lo lắng của các đại biểu về số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể gia tăng 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến năm 2018 có 130.000 doanh nghiệp được thành lập. "Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng số phá sản cũng tăng cao", ông thừa nhận.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch nêu 4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể nhiều, trước tiên do quy luật cạnh tranh. "Doanh nghiệp yếu không còn khả năng thì sẽ bị đào thải, thay vào đó là doanh nghiệp mới, khoẻ hơn", ông nói.
Ngoài ra, tiếp cận các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, lao động, logistic của doanh nghiệp là rất khó khăn. Doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động không hiệu quả rút lui khỏi thị trường cũng có vấn đề.
Từ tháng 4, các địa phương rà soát lại số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong đó rà soát cả những con số từ vài năm trước. Do đó, số doanh nghiệp giải thể 9 tháng đầu năm cũng bổ sung thêm số liệu này.
Cuối cùng, theo ông Dũng, có hiện tượng doanh nghiệp trục lợi chính sách. Lập doanh nghiệp chỉ để buôn bán hoá đơn chứ không hoạt động gì. Trước thực trạng này, trưởng ngành Kế hoạch hứa sẽ có các biện pháp khắc phục.
Về mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào 2020, ông cho biết, hiện đã có hơn 700.000 doanh nghiệp và để đạt mục tiêu này cần thêm 300.000 doanh nghiệp lập mới trong 2 năm tới. Ông Dũng cho hay, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận đất đai, các yếu tố đầu vào của sản xuất... để có thêm dư địa, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
GDP bình quân đầu người thấp, nguy cơ tụt hậu gia tăng
Dành 10 phút giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua "nhìn chung là thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối kinh tế lớn được đảm bảo". Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên thế giới; tỷ giá, lãi suất đang gây áp lực lớn trong điều hành. Ngoài ra còn có thách thức trong biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Ông cũng lo lắng khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng tăng. Bộ trưởng Dũng phân tích, đạt được kết quả như vừa qua "mừng nhưng vẫn còn lo". Cụ thể, GDP bình quân đầu người hiện mới đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 3.200 - 3.500 USD.
"Như vậy giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800 - 1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng", ông nêu.
Trưởng ngành Kế hoạch khẳng định, tinh thần của Chính phủ là không chủ quan, đánh giá kịp thời, ứng phó với các vấn đề xảy ra. Ông cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ kịch bản điều hành kinh tế đến năm 2020 để "chủ động khắc phục tồn tại, đổi mới mô hình tăng trưởng, tránh nguy cơ tụt hậu".
"Chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phát triển nhanh, lại vừa ổn định kinh tế vĩ mô", ông Dũng nhấn mạnh.
Anh Minh