Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận ở tổ, gửi các đại biểu ngày 30/5, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.
Với bức tranh kinh tế hiện nay, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn. Tuy vậy, theo dõi biến động kinh tế nhiều năm cho thấy thông thường tăng trưởng kinh tế các quý sau sẽ diễn biến khá dần và tăng tốc vào nửa cuối năm.
"Căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, quý II và 6 tháng đầu năm, Chính phủ sẽ có những quyết định về mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cho phù hợp", Bộ trưởng nói.
Trước đó, thảo luận ở tổ ngày 25/5, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng quý I tăng trưởng chỉ đạt 3,32% nên muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay, các quý còn lại phải tăng 7,5-8%. Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá nguyên nhân và rà soát lại các kịch bản tăng trưởng năm nay.
Phân tích về triển vọng các lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho biết đang cơ cấu chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Khu vực dịch vụ năm nay được dự báo tăng trưởng khá, nhất là thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao kéo theo xuất khẩu dịch vụ tăng.
Năm nay, nhiều dự án cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế, và đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu kinh tế.
Động lực cho tăng trưởng năm nay còn tới từ sự dịch chuyển dòng vốn ngoại của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và các doanh nghiệp Việt tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cầu tiêu dùng cũng phục hồi sau dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng năm nay, Bộ trưởng Dũng cho biết Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng xúc tiến đầu tư, thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng đó, tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy nhanh để góp phần tăng thêm năng lực cho nền kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp.
Cải cách hành chính liên quan tới thuế, cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp gắn với xây dựng chính quyền số cũng là giải pháp Chính phủ chú trọng nửa cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng, theo Bộ trưởng.