Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đưa ra 2 phương án về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn. Phương án 1, Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn (gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức bố trí vốn cho từng dự án chi từ ngân sách Trung ương). Phương án 2, Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo khung kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh, các dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng mới cần trình ý kiến Quốc hội. Do đó, có ý kiến cho rằng "nếu vậy sẽ không còn dự án nào phải trình" cơ quan này nữa.
Chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định, đề xuất giao Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn "không phải phủ nhận quyền của Quốc hội". Ông nhấn mạnh, Quốc hội vẫn giữ quyền năng cao nhất và quyết khung. Còn Chính phủ sẽ điều hành trong khung này trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng, cân đối nguồn lực.
Ông Dũng dẫn chứng 2 trường hợp điều chỉnh là thay tên ở dự án của thành phố Đà Nẵng và Văn phòng Trung ương Đảng. Dự án Văn phòng Trung ương Đảng chuyển thành toà nhà của Ban Tuyên giáo trung ương, tổng vốn đầu tư không thay đổi... nhưng 6 tháng nay vẫn tắc dừng triển khai vì chờ xin ý kiến Quốc hội về chủ trương thay đổi tên như vậy.
Lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư nói, hai dự án chỉ thay tên đã vướng mắc như vậy nên nếu gần 10.000 dự án, mỗi dự án điều chỉnh 4-5 lần trong vòng đời 5 năm thì khối lượng công việc rất lớn.
Những vướng mắc từ thực tiễn mà ông Nguyễn Chí Dũng nêu, trước đó cũng được ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội chia sẻ trong buổi họp tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 sáng 29/5. Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội vẫn lưu ý, những vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn cũng từ thực tiễn và mấu chốt nằm tại "tiền đâu để làm" và "triển khai như thế nào". Ông nhắc lại bài học nhãn tiền từ 2 kỳ Quốc hội trước: "Ta cứ đưa ra danh mục, rồi đưa ra dự án rất hoành tráng nhưng lại chẳng chỉ tiền ở đâu để làm".
Ông nói thêm, ở các nước thời gian chuẩn bị dự án có thể 7-8 năm, nhưng triển khai rất nhanh. Việt Nam thì ngược lại, dự án "vừa chạy vừa xếp hàng". Nhiều dự án khi triển khai vẫn chưa làm xong giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thẩm định... nên kéo dài.
Theo ông Hiển,một thời gian dài Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chính phủ đã rất cố gắng trong siết chặt các dự án đầu tư công, tránh dàn trải nhưng "rõ ràng nếu không phối hợp chặt, có biện pháp thì e rằng sẽ rơi vào vòng xoáy, rồi phát sinh nợ công".
Bên cạnh đó, ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị sửa một số quy định tại luật chuyên ngành (xây dựng, đấu thầu...) và phân cấp mạnh hơn, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo khung kế hoạch Quốc hội thông qua. Kèm theo đó, Chính phủ phân cấp lại cho các Bộ, ngành, địa phương.
Ông phân tích, thực tế có dự án thay đổi một chút như chỉ thay tên dự án, hoặc bổ sung, quyết toán vài chục, vài trăm triệu cũng phải chạy một vòng đủ từ chủ đầu tư lên Bộ, rồi tới Chính phủ và cuối cùng mới lên Quốc hội để quyết bổ sung thì cực kỳ chậm.
"Quốc hội nên quyết khung, còn trong phạm vi tổng vốn điều chuyển từ dự án nọ sang dự án kia thì giao cho Chính phủ. Càng không phân cấp thì càng đùn việc lên trên, ngược lại càng giao càng có trách nhiệm", ông Sinh nói thêm.
Mặt khác, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị sửa đổi một số quy định tại Luật Xây dựng. Ông cho biết, theo quy định dự án dùng ngân sách trung ương phải qua thẩm định thiết kế cơ sở ở Bộ Xây dựng. Trong khi chỉ vài chục nhân sự thẩm định hàng nghìn dự án thì "không chậm, không tắc mới là lạ".
"Tại sao khi thấy thực tế vướng mà chúng ta không sửa. Phải sửa đồng thời những nút thắt này thì ách tắc giải ngân vốn đầu tư công mới có thể gỡ được", ông nói thêm.
Từ thực tế 2 năm điều hành, quản lý lĩnh vực xây dựng cơ bản ở địa phương, ông Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề xuất, Quốc hội phân cấp mạnh hơn, giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục này. Sau đó Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Việc giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục dự án đầu tư, theo ông, không trái Hiến pháp.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào sáng 13/6.
Anh Minh