Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam (VSF) 2018 sáng nay (18/1), Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tăng trưởng phải đi đôi với bền vững về môi trường, sự ổn định về vĩ mô. Tuy nhiên người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhìn nhận Việt Nam vẫn có nguy cơ tụt hậu so với những nền kinh tế khác, nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
"Dự kiến đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt mức 10.000-12.000 USD, một mức cao so với hiện tại, nhưng nếu so với mặt bằng chung tại giai đoạn đó thì không. Các quốc gia khác không đứng chờ Việt Nam phát triển, ta phát triển một thì họ cũng phát triển mười", Bộ trưởng lý giải.
Theo ông, nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài nhằm rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế khác, nguy cơ tụt hậu vẫn còn.
Năm 2017 đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đối mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư nhưng ở nhiều khía cạnh vẫn còn những điểm tồn tại. Đó là GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) chưa được như kỳ vọng. Trong khi đó, thách thức từ bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế vẫn nghiêm trọng.
Trong số nhiều nguyên nhân được nhắc tới, công tác quy hoạch còn yếu là một trong những vấn đề được Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh. "Gần 100 văn bản pháp quy và 20.000 quy hoạch đã có nhưng thực tế lại không mang lại hiệu quả", ông Dũng nói. Nhiều quy hoạch hiện không bám sát thị trường dẫn tới xung đột và triệt tiêu lẫn nhau.
Lấy ví dụ về quy hoạch sản phẩm, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết theo Luật quy hoạch mới sẽ bỏ hoàn toàn những điều này và hướng sự phát triển theo yếu tố thị trường. Các quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng sẽ mang tính tích hợp cao hơn, với hạ tầng, môi trường, xã hội tới đây sẽ được lồng ghép vào một quy hoạch chung để mang tính toàn diện.
"Bộ đang lên phương án thí điểm Luật Quy hoạch tại Vùng đồng bằng Sông Cửu Long, lập lại toàn bộ quy hoạch vùng, gắn sự phát triển giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện các chuyên gia trong nước và nước ngoài được tham vấn để xây dựng điều này", Bộ trưởng cho biết.
Nhắc tới mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế tốc độ cao trong thời gian dài, Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều khuyến nghị. Trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính là xây dựng thể chế, môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững về môi trường.
"Không còn là lo ngại về bẫy thu nhập trung bình nữa, hiện Việt Nam đã thuộc nhóm nước thu nhập trung bình và vướng vào những khó khăn đặc thù của nhóm này. Để nhanh chóng vượt qua, Việt Nam cần đưa thu nhập bình quân đầu người lên mức 10.000 USD, đây là một thách thức không nhỏ", Bộ trưởng kết luận.
Minh Sơn