Gần một tuần sau sự việc máy bay Vietjet Air lẽ ra phải tới Đà Lạt nhưng lại hạ cánh ở Khánh Hòa, chiều 25/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kết luận sự cố. Tham dự cuộc họp không chỉ có Vietjet Air mà còn cả hai hãng hàng không còn lại - Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Phía quản lý Nhà nước, từ Cục Hàng không đến bên quản lý bay, Tổng Công ty cảng, Cảng vụ đều có mặt.
"Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi xin lỗi người dân, xin lỗi hành khách vì đã để tình trạng này xảy ra", Bộ trưởng nói. Trong cuộc họp, ông Thăng cũng không ngừng chất vấn đại diện Cục Hàng không về việc liệu Vietjet Air có đủ khả năng, điều kiện để tiếp tục bay hay không.
"Đây là sự cố nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay. Chuyến bay không có hậu quả nào là một điều may mắn. Nhưng liệu chúng ta có may mắn mãi được không?", Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi.
Với nhận định này, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không đánh giá lại điều kiện của hãng hàng không tư nhân Vietjet và không cho phép đơn vị này nhận thêm tàu bay nếu không đủ điều kiện.
"Thậm chí sau khi rà soát lại, nếu năng lực của hãng không đủ thì cất bớt tàu bay đi", vị tư lệnh ngành giao thông nói. Hiện Vietjet Air có 15 tàu bay và dự định nhập thêm hàng chục chiếc trong các năm tới.
* Vietjet Air đặt mua 92 máy bay
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhận định có nhiều lỗi như tiếp viên của hãng biết khách đi Đà Lạt, nhưng suốt chuyến bay không trao đổi với phi công về kế hoạch này. Cơ trưởng cũng cho máy bay thẳng hướng Cam Ranh và tưởng mình đi đúng đường cho đến khi chỉ còn cách sân bay 5 dặm (khoảng 8 km). Lúc này, tàu bay không thể chuyển hướng được nữa và bắt buộc phải hạ cánh.
Ngoài ra, nhân viên điều độ của hãng thực hiện nhiệm vụ đưa kế hoạch bay cho phi công ngày hôm đó là người học việc, chưa có giấy phép. Do chưa có kinh nghiệm, người này đã không đưa kế hoạch bay cho phi công ký, dẫn đến phi công không có thông tin.
Bên quản lý bay cũng có lỗi chậm thông báo tàu bay cất cánh. Theo quy định của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), bên quản lý bay phải phát đi điện văn thông báo cho sân bay ngay lâp tức sau khi tàu bay cất cánh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi tàu bay đã cất cánh 28 phút, bên quản lý bay mới thông báo. "Nếu phát hiện nhầm lẫn ra sớm hơn, phi công có thể thực hiện thay đổi đường bay đi Đà Lạt", Thứ trưởng Tiêu nhận định.
Với những nhận định trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận Cục Hàng không cần tăng cường giám sát với Vietjet Air. Theo Bộ trưởng, do hãng hàng không tư nhân này có quy mô phát triển nhanh nên trình độ năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân lực chưa theo kịp. Theo Bộ trưởng, với mô hình như thế phải tăng cường giám sát, thậm chí giám sát hàng ngày.
Nói với đại diện các hãng hàng không khác cũng có mặt tại buổi họp, Bộ trưởng yêu cầu phải rút kinh nghiệm từ sự việc này, xem cần thay đổi những gì trong quy trình hoạt động của đơn vị mình hiện nay.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị khiển trách Cục trưởng Cục Hàng không do "báo cáo chậm và có hiện tượng bưng bít thông tin". Người đứng đầu ngành Giao thông cam kết có hình thức kỷ luật cao hơn nếu những sự cố tương tự lặp lại.
Bộ trưởng yêu cầu tất cả các cơ quan có liên quan phải rút kinh nghiệm. Từ Cục Hàng không, Tổng công ty quản lý bay, Tổng công ty Cảng, Cảng vụ đều phải kiểm điểm những cá nhân có liên quan, rà soát lại quy trình cấp phép, quy trình bay, tôn trọng tuyệt đối quy trình của ICAO.
Nhân sự kiện này, Bộ trưởng cũng nói về hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không. Theo Bộ trưởng, tất cả các doanh nghiệp dịch vụ chung trong ngành hàng không cũng phải cổ phần hóa toàn bộ, không để tình trạng tất cả các hãng lệ thuộc vào một doanh nghiệp.
Thanh Bình