- Ông đánh giá thế nào về sự việc máy bay của Vietjet Air chở hành khách từ Hà Nội đến Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng đã hạ cánh ở Cam Ranh (Khánh Hòa)?
- Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra sự cố như thế này. Rất may là chuyến bay vẫn được điều hành an toàn trên đường hàng không, tàu bay hạ cánh an toàn tại Cam Ranh, các đơn vị phục vụ mặt đất triển khai kế hoạch bình thường. Chưa có uy hiếp an toàn trực tiếp nào xảy ra, nhưng đối với hoạt động của ngành hàng không, mọi sự cố về mặt khai thác, trường hợp này là do lỗi của cơ trưởng và nhân viên điều phái của hãng, đều tiềm ẩn yếu tố uy hiếp an toàn bay. Ngoài ra sự cố này cũng gây phiền hà, thiệt hại cho hành khách, thiệt hại cho hãng hàng không (phải thực hiện chuyến bay bổ sung từ Cam Ranh đi Đà Lạt).
- Theo kết quả điều tra của Cục, nguyên nhân của sự việc là gì?
- Nguyên nhân khiến máy bay nhầm sân bay khởi nguồn từ việc kế hoạch bay của hãng có sự thay đổi. Do một tàu bay hỏng nên hãng điều chỉnh kế hoạch bay, đổi tàu bay được dự kiến thực hiện chuyến bay Hà Nội đi Cam Ranh sang thực hiện chuyến bay Hà Nội đi Đà Lạt. Tất cả mọi đơn vị đều được thông báo về sự thay đổi kế hoạch, ngoại trừ cơ trưởng.
Trước mỗi chuyến bay, nhân viên điều phái của hãng có trách nhiệm đưa kế hoạch bay chính thức được Phòng thủ tục bay tại sân bay phê duyệt cho cơ trưởng ký xác nhận. Trong trường hợp này, nhân viên điều phái đã không thực hiện quy trình này. Còn lỗi của cơ trưởng là không yêu cầu nhân viên điều phái đưa kế hoạch bay chính thức (đi Đà Lạt) để ký xác nhận mà vẫn thực hiện lộ trình bay theo kế hoạch cũ (kế hoạch dự kiến đi Cam Ranh). Ngoài ra, tổ bay đã không thực hiện tốt quy trình kiểm tra kế hoạch bay trước chuyến bay theo quy định. Do đó tiếp viên vẫn thực hiện thủ tục cho hành khách đi Đà Lạt, còn cơ trưởng thì lái tàu bay đi Cam Ranh.
Các bộ phận phục vụ khác tại mặt đất không có lỗi trong sự cố này vì đã thực hiện đúng kế hoạch bay điều chỉnh được nhận.
- Cục quy trách nhiệm và xử lý những người liên quan như thế nào?
- Với hai người có lỗi đầu tiên là nhân viên điều phái và cơ trưởng chuyến bay, Cục đã chỉ đạo tạm đình chỉ ngay giấy phép cho đến khi có kết luận chính thức. Sau đó, Cục sẽ thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định, rút giấy phép nhân viên hàng không có thời hạn hoặc vĩnh viễn, yêu cầu đào tạo, huấn luyện lại... Quan trọng hơn, kết luận điều tra phải đưa ra được những khuyến cáo bắt buộc hãng hàng không phải tổ chức thực hiện với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn sự cố tương tự tái diễn. Cục sẽ phải kiểm tra, rà soát lại tài liệu khai thác của hãng (nếu tài liệu khai thác có lỗ hổng, đó cũng còn là lỗi của Cục, chứng tỏ việc phê duyệt chưa chặt chẽ), rà soát việc thực hiện quy trình khai thác của hãng, của tổ bay; việc giám sát nội bộ, vận hành hệ thống quản lý an toàn (SMS) của hãng. Bên cạnh đó, sự việc này xảy ra do yếu tố con người. Trong mọi trường hợp, lỗi do yếu tố con người chứng tỏ công tác đào tạo, huấn luyện còn bất cập.
- Quyền lợi của khách hàng trong vụ việc này được đảm bảo như thế nào?
- Khách hàng có thể khởi kiện theo thủ tục khởi kiện dân sự về bồi thường thiệt hại liên quan đến hợp đồng vận chuyển. Điều này được quy định rõ trong Luật Hàng không dân dụng năm 2006. Sự cố này hoàn toàn do lỗi của hãng hàng không nên trong trường hợp chứng minh được thiệt hại thực tế do sự cố này gây ra, hành khách có thể thắng kiện.
- Cục đánh giá như thế nào về cách xử lý của hãng sau khi sự việc xảy ra, về giải thích do yếu tố thời tiết của hãng?
- Hãng chưa có báo cáo chính thức lên Cục về nguyên nhân sự cố. Việc hãng đổ lỗi cho thời tiết tôi cũng chỉ được nghe thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Thời điểm xảy ra, thời tiết tại Đà Lạt bình thường cho hoạt động bay. Sau khi nghe thông tin như vậy, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng đã có chỉ đạo đối với hãng là phải ngay lập tức ra văn bản đính chính, xin lỗi hành khách và công luận, đồng thời phải xử phạt nghiêm những người có liên quan.
Đối với các sự cố hàng không, hãng có quyền từ chối đưa ra nguyên nhân mà chờ kết luận điều tra chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không có quyền đưa thông tin sai lệch. Mặt khác, cơ quan nhà nước sẽ không bao giờ bị phụ thuộc vào thông tin của hãng mà có kết luận sai lệch, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống, ảnh hưởng đến an toàn hàng không. Tôi thực sự cũng không hiểu tại sao hãng lại đưa ra lý do thời tiết (nếu đúng đây là Thông cáo báo chí chính thức của hãng). Cục sẽ yêu cầu hãng giải trình về vấn đề này.
Thanh Bình