Tại cuộc họp sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô sáng 8/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị nghiên cứu quản lý chặt chẽ loại hình xe Uber và Grab.
Theo ông Thể, chỉ trong 2-3 năm nay, Uber, Grab đã có 38.000-40.000 xe gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; phát sinh nhiều vấn đề như cướp giật trên xe mà không ai chịu trách nhiệm.
"Cơ quan quản lý phải đứng ở góc độ thu thuế để phục vụ người dân. Người ta gọi là Grab taxi rồi mà các anh còn coi là xe hợp đồng. Trong khi taxi bị quản lý chặt thì tài xế Uber, Grab không có bằng lái, thuê mướn xe... vẫn được hoạt đồng. Đề nghị các anh không lòng vòng mà cần đặt thẳng vấn đề là quản lý Uber, Grab như taxi", ông Thể gay gắt.
Bộ trưởng giao thông nêu thực trạng, một hãng taxi muốn phát triển thêm phải xin phép, trong khi đó cơ quan nhà nước không biết cụ thể bao nhiêu xe Uber, Grab chạy trên đường.
Theo ông, hoạt động Uber, Grab bản chất là taxi áp dụng công nghệ trong kết nối với lái xe, chủ hãng. Vì vậy các hãng này phải đăng ký hoạt động vận tải tại Việt Nam và phải minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Nếu Uber, Grab cho rằng họ chỉ là đơn vị kinh doanh công nghệ cao, Bộ Giao thông sẽ không quản lý mà chuyển sang Bộ Công thương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổ soạn thảo Nghị định 86 (sửa đổi) phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của các hãng Uber, Grab trong quản lý lái xe. Cụ thể, các hãng phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề tiêu cực như hành khách bị cướp giật, quên đồ trên xe; đảm bảo người dân khi sử dụng dịch vụ của các hãng sẽ được bảo vệ.
"Bất kỳ việc gì xảy ra với người dân thì phải có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm. Nếu đợt này không quản Uber, Grab như một hãng taxi, tôi sẽ không trình lên Chính phủ, bởi tôi là người chịu trách nhiệm chính với Nghị định này”, Bộ trưởng Thể bày tỏ thái độ dứt khoát.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết, trước đây có nhiều quan điểm khác nhau trong định nghĩa xe Uber, Grab, đơn vị từng kiến nghị xếp vào loại hình taxi, song nhiều ý kiến khác cho rằng xếp vào xe hợp đồng điện tử.
Theo bà Hiền, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu chỉnh sửa nghị định 86 theo hướng thắt chặt các điều kiện kinh doanh của Uber, Grab như với taxi. Lái xe được quản lý theo theo doanh nghiệp hợp tác xã và quy định việc bảo vệ người dân như đang áp dụng với các hãng taxi.
Theo quy định hiện hành, taxi phải đeo mào và có đồng hồ tính tiền, với taxi công nghệ thì có thể không yêu cầu thiết bị đó phải sờ thấy được mà dùng công nghệ nhận biết khác. Ngoài ra, hãng Uber sẽ phải đăng ký kinh doanh, đặt trụ sở ở Việt Nam và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định trong nước.
"Chúng tôi sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa Uber, Grab và taxi", bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định.
Đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông cho phép các hãng Uber, Grab hoạt động theo hình thức thí điểm xe hợp đồng điện tử. Hiện có 4 trên 5 địa phương đăng ký tham gia, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà và TP HCM (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm).
Sau 2 năm thí điểm, theo cơ quan chức năng, mô hình xe hợp đồng điện tử bước đầu được nhiều người dân hưởng ứng và sử dụng do sự tiện lợi của dịch vụ mang lại và chi phí hợp lý.
Cuối năm 2017, Tòa án công lý châu Âu đã phán quyết Uber là một công ty cung cấp dịch vụ vận tải sau khi nhiều tranh cãi đây là công ty vận tải hay là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ. |