Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP HCM chiều 3/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quân ủy Trung ương sẽ họp vào tuần sau về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi thống nhất các đơn vị sẽ bắt tay vào làm ngay.
"Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng 210 ha về phía Bắc (dịch vụ) và phía Nam thêm 70-80 ha (nhà ga). Sau khi mở rộng lượng hành khách sẽ tăng lên rất nhiều, áp lực giao thông cũng rất lớn", ông Thể nói và đề nghị TP HCM tính toán để phối hợp mở rộng và thêm các tuyến đường mới nhằm bảo đảm kết nối tốt, tránh ùn tắc.
"Làm thế nào để khi xong nhà ga T3 thì các tuyến đường mới đi qua đất quốc phòng cũng xong luôn, đảm bảo sự đồng bộ", ông Thể nói.
Về dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), ông Thể thông tin, đã có vốn để triển khai, muộn nhất là năm 2025 sẽ hoàn thành .giai đoạn một, thậm chí có thể sớm hơn. Vì vậy, ngay từ bây giờ TP HCM cùng các đơn vị của Bộ phải tính đến việc kết nối giữa sân bay này và Tân Sơn Nhất.
"Cao tốc TP HCM - Long Thành đang quá tải, nếu thêm sân bay Long Thành đi vào hoạt động nữa thì như thế nào? Việc này chúng ta phải bàn sớm, tìm cách kết nối, đây không phải là vấn đề riêng của thành phố nữa mà là giao thông liên vùng", ông Thể lưu ý.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ cùng UBND thành phố tính toán để sớm khép kín các tuyến đường Vành đai 2, 3 và triển khai đoạn tuyến Vành đai 4 trên địa bàn TP HCM. Bởi các dự án này đã được quy hoạch, nghiên cứu từ rất lâu.
"Giao thông là vấn đề sống còn đối với TP HCM. Một đô thị lớn như thế này thì tất cả các loại hình giao thông đều phải phát triển. Các đơn vị của Bộ không cần ôm khư khư, nếu thành phố quản lý tốt thì bàn giao để thành phố làm, kể cả hệ thống cảng cũng vậy, cần phải tính toán lại", ông Thể yêu cầu.
Bộ trưởng GTVT bày tỏ e ngại khi Hà Nội có nhiều hướng kết nối, cửa ngõ rộng. Còn TP HCM có hai tuyến cao tốc kết nối là Long Thành và Trung Lương nhưng đều đã quá tải. Các tuyến Quốc lộ 1, 22, 50 nối với các tỉnh thành cũng trong tình trạng tương tự.
"Nếu không có hướng điều chỉnh tốt, xây dựng các trục đường mới mà chỉ dựa vào hệ thống hạ tầng đang có thì 5-10 năm nữa giao thông thành phố sẽ kẹt cứng", ông Thể nhấn mạnh.
Giao thông khu vực Tân Sơn Nhất là trọng điểm
Về phía UBND TP HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, mục tiêu nhiệm kỳ này thành phố sẽ làm mới 172 km, song đến tháng 6 chỉ làm được hơn 30%. Hiện, thành phố rất nỗ lực và rất cần sự hỗ trợ của Bộ GTVT trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng.
Đối với dự án đường Vành đai 3, tháng 9 thành phố sẽ xin HĐND tạm ứng vốn ngân sách, tính toán nguồn lực để đầu tư cho phân đoạn ngắn trên địa bàn.
"Thành phố sẽ mời Bộ GTVT và các tỉnh có dự án đi qua bàn kỹ thêm về vấn đề này vì đây là tuyến đường liên tỉnh. Thành phố rất quyết tâm với dự án này và có thể chủ động được, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông của địa phương", ông Phong nói.
Về sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Phong, vừa qua Ban chỉ đạo chống khủng bố của thành phố đã họp và xác định đây là khu vực phải bảo vệ trọng điểm. UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT phải tập trung các giải pháp chống ùn tắc ở vị trí này. Thành phố sẽ cố gắng để làm các dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn thành phố còn chậm. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn đầu tư và các dự án đã xác định nguồn vốn vẫn chậm hoàn thành do vướng mắc ở khâu phóng mặt bằng.
Đại diện UBND thành phố, ông Cường cũng kiến nghị Bộ GTVT cho tổ chức làn đường dành riêng hoặc ưu tiên xe buýt lưu thông trong sân bay Tân Sơn Nhất; điều chỉnh thời gian cất và hạ cánh xuống sân bay mùa cao điểm; xem xét, phân cấp cho thành phố quản lý những tuyến đường thủy nội địa nằm trên địa bàn thành phố; chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch đường sắt TP HCM - Cần Thơ; sớm hoàn tất thủ tục để xây dựng nút giao An Phú (quận 2)...
Hữu Công