Thảo luận tại tổ sáng 12/11 về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu vướng mắc thực tế khi triển khai các dự án đầu tư công. Phần lớn những khó khăn đến từ khâu thủ tục kéo dài, rườm rà.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Quốc hội, Chính phủ luôn yêu cầu phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ và chất lượng, cố gắng hoàn thành tốt đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng hiện nay, nếu làm nhanh mà không đảm bảo đúng thủ tục, đúng quy định thì việc này không cho phép.
Ông dẫn chứng dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, năm 2015 Quốc hội thống nhất chủ trương xây dựng, rồi sau đó quay lại Bộ Giao thông Vận tải lập hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư. Bộ thẩm định, thống nhất rồi mới lại trình các bộ, ngành và trình lên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cuối cùng Quốc hội mới phê duyệt dự án.
"Tôi thấy một vòng đi lên để duyệt danh mục mất 6 tháng – 1 năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt... Quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm", Bộ trưởng Thể nói và cho rằng, nếu điều chỉnh Luật Đầu tư công mà không cải thiện được quy trình này thì việc triển khai các dự án vẫn sẽ chậm, có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan.
Tương tự, các dự án đầu tư công dù không phải trọng điểm cũng đều phải trải qua quy trình rườm rà. "Công trình lớn, công trình nhỏ gì cũng vậy, quy trình thủ tục rót vốn đầu tư công hiện quá dài, rườm rà. Chúng ta tự tạo khó cho mình", ông Thể nói thêm.
Những thực tế vừa nêu là trả lời cho câu hỏi "vì sao có tiền mà không tiêu được". Với một quy trình "lòng vòng" như hiện nay, ông Thể nói, "chúng ta sẽ mất nhiều thứ, trước hết là mất thời gian, và quan trọng hơn là mất tiền do đội giá, trượt giá". Và nếu không thay đổi quy trình, trưởng ngành giao thông cho rằng, chắc chắn các dự án đầu tư công sẽ chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân.
'30 Tết doanh nghiệp vẫn trực chờ được rót vốn'
Đề cập đến việc cắt giảm những công trình dàn trải, nhiều đại biểu bày tỏ xót xa khi nhiều công trình dở dang, đắp chiếu. Cũng có công trình chờ vốn mòn mỏi cả năm trời nhưng tới cuối năm mới được giải ngân.
Bà Hiền đề nghị nên phân bổ vốn ngay từ đầu năm thay vì dồn dập vào dịp cuối năm. "Cứ cuối năm nhìn thấy trụ sở nào cũng đi sửa chữa, đào bới, thuê nhân công làm vội thì chất lượng không thể đảm bảo được. "Có doanh nghiệp, đơn vị 12h đêm 30 Tết vẫn ngồi chờ ở Kho bạc để được giải ngân vốn. Tại sao lãnh đạo nhìn thấy, địa phương nhìn thấy, TƯ nhìn thấy nhưng vẫn cứ đến thời điểm đó mới phân bổ vốn", nữ đại biểu tỉnh Hà Nam tâm tư.
Còn theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, rất cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công. Đây là biện pháp để chống đầu tư dàn trải, đầu tư mà không có hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ nguyên tắc, quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thì đầu tư phải có hiệu quả. Vì vậy, ông cho rằng cần đầu tư thích đáng vào nơi nào có tiềm năng và tạo hiệu quả cao.
"Với tư cách là người quan sát, tôi xin báo động TP HCM lĩnh vực đầu tư công không được quan tâm thoả đáng đặc biệt là vấn đề hạ tầng. Đang đi xe hơi chạy êm ru, đến đoạn đường xấu, xóc là biết đã về đến TP HCM", ông Nghĩa nói.
Đề xuất trao quyền quyết đầu tư dự án công cho thường trực HĐND
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước phải là thẩm quyền quyết định của HĐND thì mới có cái nhìn toàn diện. Theo bà Tâm, nếu giao cho thường trực HĐND sẽ đẻ ra hệ luỵ làm cho chính quyền địa phương, nhất là UBND địa phương chủ quan. Nguyên nhân là thường trực HĐND họp hàng tháng, quyết định đầu tư công có thể thông qua hàng tháng. Như vậy, không đảm bảo được tính tổng thể và hệ thống của mỗi địa phương.
"Đề nghị Quốc hội cân nhắc, về hình thức có vẻ thuận lợi, vì thường trực có thể triệu tập họp bất cứ lúc nào, còn triệu tập HĐND thì không phải dễ. Nhưng phải có cái nhìn tổng thể để cân đối để quyết định đầu tư", bà nói.
Chủ tịch HĐND TP HCM cũng băn khoăn, tại sao Chính phủ lại đặt ra quy định giảm mức độ phức tạp cho đầu tư công trên cơ sở giao cho HĐND để thường trực HĐND quyết định mà không tính toán sửa đổi những nội dung khác để rút ngắn thủ tục đầu tư công?
"Hiện thủ tục còn rất nan giải, có ý kiến các bộ ngành. Cần đơn giản hoá thủ tục, nhưng thẩm quyền quyết định phải đủ sức quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định. Đề nghị vẫn giao quyền quyết định cho HĐND, mỗi năm có thể tổ chức nhiều kỳ họp, như TP HCM mới qua 2,5 năm nhưng đã tổ chức 10 kỳ họp", bà Quyết Tâm nói và cho hay thực tế TP HCM chưa có trường hợp nào bị vướng lại do không tổ chức được cuộc họp HĐND.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư TP HCM cũng đề nghị cân nhắc giao quyền quyết định đầu tư dự án công cho thường trực HĐND vì trách nhiệm thẩm tra, giám sát hợp đồng rất quan trọng và chặt chẽ. Hiện HĐND hoạt động theo quy chế, nếu giao thường trực thì thực hiện theo quy định nào?
"Để đảm bảo trí tuệ tập thể, vai trò giám sát cần phát huy tốt đúng vai trò của HĐND", Bí thư TP HCM nói.
Những dự án đầu tư công của địa phương theo ông Nhân, quy trình thường tính bằng năm, vì vậy, giữa hai cuộc họp 6 tháng, HĐND có thêm cuộc họp mỗi 3 tháng, khi đó sẽ đủ điều kiện thông qua bất cứ nội dung nào chính quyền cần.
"HĐND được quyền họp bổ sung nếu có nhu cầu. Thời gian giữa 3 tháng đợi HĐND họp thì vừa đủ thời gian chuẩn bị một dự án", Bí thư Nhân khẳng định.
Trong khi đó ông Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM cho rằng, đầu tư công hiệu quả thì người nộp thuế mới vui vẻ, lãng phí thì thu thuế sẽ khó khăn. Ông Ngân đề nghị, cần xem dự án đó thuộc HĐND hay Quốc hội quyết định, nếu như là ngân sách của địa phương thì hãy để HĐND quyết định, dù là 30.000-40.000 tỷ đồng. Nếu dự án 1.000-2.000 tỷ đồng nhưng sử dụng ngân sách trung ương thì Quốc hội quyết định.
Kỳ Duyên