"Chúng ta phải tiếp tục đổi mới nội dung của từng môn học", ông Sơn nói tại Hội nghị giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành, chiều 21/7 tại Nghệ An.
Bộ trưởng cho rằng việc đổi mới cần đi vào chiều sâu. Chẳng hạn với môn Lịch sử, nếu chỉ dạy và kiểm tra thiên về số lượng, môn học không thể hấp dẫn. Đó cũng không phải những điều mà môn Lịch sử cần đem lại cho học sinh ở các khía cạnh nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm.
Ở môn Văn, ông Sơn nói phải tìm cách để Văn trở thành công cụ phát triển con người, bồi đắp cảm xúc, thái độ, nhân cách, không chỉ là câu chuyện miệt mài đi sâu vào văn bản. "Mục đích của Văn học không dừng ở văn bản mà là con người. Chúng ta còn một bước nữa cần thay đổi", ông nói.
Tương tự với các môn tự nhiên, theo ông Sơn thì Toán không chỉ dạy giải Toán, mà cần rèn học sinh cách tư duy. Với môn Hóa và Sinh, giáo viên phải tăng dạy thực hành, thí nghiệm. Ông cho rằng các dụng cụ vốn đã thiếu, nhưng nếu để mốc vì không cho học sinh dùng, ngành giáo dục có lỗi với các em.
Việc đổi mới cách dạy và học được Bộ nhiều lần đề cập trong các văn bản, hội nghị về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi một trong những mục tiêu của chương trình là coi trọng tính cá nhân hóa, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Do đó, phương pháp dạy theo hướng truyền thống là truyền thụ kiến thức một chiều từ giáo viên đến học sinh, đọc chép không còn phù hợp.
Năm học 2023-2024, chương trình mới tiếp tục được áp dụng với ba khối 4, 8 và 11, năm tiếp theo là khối 5, 9 và 12. Ông Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ đổi mới hoàn toàn để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình mới. Nhưng trước khi tới mốc này, kỳ thi năm 2024 sẽ được duy trì ổn định về mô hình, cách tổ chức, chỉ điều chỉnh một chút về chuyên môn, nội dung.
"Thế hệ học sinh tốt nghiệp năm tới vẫn học chương trình cũ, nên chưa thể có thay đổi lớn. Song, kỳ thi năm tới là một dự lệnh, bước chuyển cho 2025, tránh thay đổi đột ngột sẽ gây sốc với xã hội", ông Sơn nói.
Trước đó vào giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là ba, không có Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Nếu phương án thi này được thông qua thì trong khoảng 10 năm (2015-2025), kỳ thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam có ba lần thay đổi.
Thanh Hằng