Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn chiếm một phần tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các doanh nghiệp FDI cũng là động lực chính góp phần gia tăng xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Điều này cho thấy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là sách lược quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay xuất hiện nhiều dự án FDI bị thu hồi, chậm tiến độ, dòng vốn FDI cũng bị chững lại.
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 7/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những giải đáp cụ thể về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay.
- Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư số một tại Việt Nam nhưng hiện đã đổ hàng tỷ USD vào Myanmar. Nhiều doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản cũng tuyên bố mở rộng nhiều cơ sở tại Thái Lan, Malaysia... trong khi các cơ sở của họ tại Việt Nam vẫn án binh bất động. Chẳng hạn Nhật Bản hiện có 7.000 doanh nghiệp ở Thái Lan nhưng ở Việt Nam mới có 1.500. Những ví dụ này nói lên điều gì về cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
- Thông tin về Nhật Bản có nhu cầu đầu tư hàng tỷ USD vào Myamar là không chính xác vì nước này mới tuyên bố mở cửa cách đây khoảng 7 tháng. Hiện nay, các quốc gia đều đang rất quan tâm đến Myanmar, trong đó có Nhật Bản nhưng họ cũng chưa đổ hàng tỷ USD vào đây mà mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, thăm dò để có những dự án lớn.
Nhưng với thị trường Thái Lan và Indonesia thì là đúng. Đây là hai thị trường rất hấp dẫn trong khu vực châu Á và đã mở cửa trước Việt Nam rất nhiều. Thực tế, Thái Lan và Indonesia có môi trường thu hút đầu tư nước ngoài rất cạnh tranh, do đó, việc Nhật Bản có 7.000 doanh nghiệp đang đầu tư ở Thái Lan so với 1.500 doanh nghiệp ở Việt Nam thì cũng bình thường.
Trong những năm vừa qua, vốn FDI đăng ký của Việt Nam không giảm nhiều, nhưng nếu so với thời kỳ đỉnh cao 2009 thì thực sự là giảm mạnh. Vốn thực hiện thì không suy giảm nhiều. Có nhiều người không đồng tình với quan điểm này nhưng tôi có số liệu từ năm 2005 đến 2013, vốn FDI thực hiện bình quân ở 11 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, cao hơn nhiều cùng kỳ năm trước.
Hiện nay chúng ta đã khôn ngoan hơn, chính sách chặt chẽ hơn nên chênh lệch giữa vốn đăng ký và thực hiện đã thu hẹp lại. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, so với các nước bên cạnh, chẳng ai đứng lại cũng như bị tụt hạng, tất cả đều đi lên và đi lên nhanh hơn.
Cách đây 20 năm, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư nước ngoài vì lao động rất rẻ, tài nguyên nhiều và ưu đãi lớn, thậm chí chúng ta bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng cho họ. Nhưng bây giờ những lợi thế đó dần mất đi và chúng ta phải thắt chặt lại, chọn những dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến thu hút FDI trở nên khó khăn. Trong khi đó, hạ tầng của Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến môi trường của chúng ta giảm xuống.
Nhân công giá rẻ cũng không còn là lợi thế nữa vì kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nên mức lương tối thiểu cũng tăng lên. Đây là điểm mà doanh nghiệp nước ngoài rất sợ.
So với tiến bộ của Thái Lan và Indonesia thì có thể Việt Nam có nhiều mặt hơn, nhưng thực sự chúng ta đang thua kém về tốc độ.
- Việt Nam đã ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài 20 năm và những chính sách ưu đãi sẽ còn phát huy đến khi nào?
- Sẽ còn ưu đãi trong thời gian rất dài vì không ưu đãi thì nhà đầu tư không vào, bởi họ tìm kiếm lợi nhuận, nước nào cũng như vậy, chỉ có điều là ưu đãi như thế nào. Chẳng hạn giai đoạn đầu trải thảm đỏ mở cửa những giờ thì không, Việt Nam chỉ ưu đãi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, nói cách khác là vẫn phải ưu đãi nhưng ưu đãi thế nào cho hợp lý, tạo ra lợi ích cho quốc gia và lợi ích cho cả doanh nghiệp.
- Liên quan đến việc hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp ngoài bị thu hồi do để hoang hóa, không đảm bảo tiến độ đã cam kết nhưng lại không có chủ đầu tư nào phải bồi thường, thậm chí để có đất sạch giao cho các chủ đầu tư thì hàng nghìn gia đình đã phải di dời. Theo Bộ trưởng, tại sao lại có tình trạng như vậy?
- Chế tài để phạt các doanh nghiệp này rất khó. Chúng tôi đã nghiên cứu thì không một nước nào trên thế giới có quy định phạt doanh nghiệp nước khác mà chỉ có chung chế tài là sẽ thu hồi nếu dự án chậm tiến độ. Hiện tôi đang học kinh nghiệm của thế giới để Việt Nam có cách làm khác đi.
Thứ nhất, về chủ trương tôi đồng ý rất nhanh chóng, không thẩm định quá lâu miễn là doanh nghiệp có dự án, tính toán hiệu quả, lúc đó có thể tạm cấp đất cho chủ đầu tư.
Sau 2 năm, nếu chủ đầu tư hoàn thành cơ bản tiến độ và chấp nhận được thì tôi sẽ kiểm tra lại và cấp phép thực tế. Căn cứ vào công nghệ của doanh nghiệp, lúc đó tôi mới cấp ưu đãi là doanh nghiệp công nghệ cao.
- Để tính toán hiệu quả thực sự của nguồn vốn FDI thì chúng ta cũng phải biết chi phí đã bỏ ra để thu hút những đồng vốn đó. Thưa Bộ trưởng, liệu có tỷ lệ gì để làm rõ việc này không, như để thu hút 1 USD đầu tư trực tiếp nước ngoài thì chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu, ngoài ra còn chi phí để xúc tiến đầu tư, những ưu đãi thuế, tài nguyên đất và đầu tư cơ sở hạ tầng?
- Không ai có thể tính được và không một quốc gia nào có thể tính được. Nhưng theo tôi, từng dự án có thể xác định được mức bỏ ra và thu về. Chính từ so sánh này mà chính quyền địa phương và Chính phủ có thể quyết định dự án đó được thực hiện hay không thực hiện.
Nhưng tựu chung lại, lĩnh vực đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng vô cùng quan trọng với kinh tế Việt Nam. Tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chiếm 1/4 vào tổng vốn đầu tư xã hội và có chất lượng cao. Trên 60% kim ngạch xuất khẩu đến từ lĩnh vực FDI, các doanh nghiệp này cũng tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp mà tới đây có thể tăng lên 3 triệu và mang đến cho Việt Nam công nghệ mới, cách quản lý và làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này chúng ta không phủ nhận được.
Huyền Thư (ghi)